16/06/2021 14:25  
Không tham gia chống dịch được ở quê nhà, Yênh Xua Lỳ, Đại học Y Khoa Vinh, xin hỗ trợ tuyến đầu ở Việt Nam, vì muốn trải nghiệm chuyên môn và rèn tiếng Việt.

Cuối tháng 5, đang lướt tin tức về dịch bệnh trên điện thoại, Yênh Xua Lỳ, 22 tuổi, sinh viên năm 2 ngành Y học Dự phòng, dừng lại ở bức ảnh bác sĩ trẻ tại TP HCM cạo trọc đầu trước khi đến tâm dịch Bắc Giang. Lỳ ấn tượng với nụ cười tươi, muốn được góp sức giống bác sĩ ấy.

Khi Hà Tĩnh, tỉnh lân cận với Nghệ An nơi Lỳ theo học, bắt đầu có ca Covid-19 cộng đồng, nam sinh sợ dịch sẽ phức tạp hơn, quyết định viết đơn tình nguyện. "Lào và Việt Nam hiện bùng phát dịch bệnh. Không tham gia chống dịch được ở quê nhà thì em góp sức bảo vệ Việt Nam", Lỳ nói.

Trước khi viết đơn, Lỳ nghĩ tới khả năng tiếng Việt có thể là rào cản. "Nhưng sau đó em nghĩ đó không phải vấn đề lớn. Nếu không biết, em sẽ nhờ mọi người giải thích để hiểu cặn kẽ. Tham gia tình nguyện, em sẽ được tiếp xúc với nhiều người Việt hơn, giúp tiếng Việt của em hoàn thiện hơn", Lỳ tâm sự.

Cũng viết đơn tình nguyện, Som Oh, 21 tuổi, sinh viên năm 2 ngành Điều dưỡng, mong được học hỏi kinh nghiệm từ anh chị khóa trên và nhân viên y tế. Bạn bè lo lắng, khuyên cân nhắc vì nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng tới việc học online, nhưng Som Oh nói: "Em vẫn muốn đi và giúp đỡ bằng đôi bàn tay nhỏ bé này. Là sinh viên y, em muốn chia sẻ nỗi vất vả khi nhìn thấy các bác sĩ phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ, dưới trời nắng nóng".

Cả Lỳ và Som Oh đều chưa thông báo với gia đình chuyện xung phong đi tình nguyện vì sợ người thân lo lắng. Quê hương Xiêng Khoảng của Lỳ hiện chưa có ca Covid-19, còn thủ đô Viêng Chăn, nơi gia đình Som Oh sinh sống, số bệnh nhân không nhiều.

Bố mẹ thỉnh thoảng gọi điện cho Lỳ, nhắc không tới chỗ đông người và thường xuyên đeo khẩu trang. "Em động viên bố mẹ không sợ. Ở đây, chúng em được trường đảm bảo an toàn, tạo điều kiện để có cuộc sống và học tập tốt. Việt Nam chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh nên em rất yên tâm", Lỳ nói.

Lỳ và Som Oh tích cực trong các hoạt động tình nguyện ở Đại học Y khoa Vinh từ năm thứ nhất. Lỳ theo thầy cô, anh chị khóa trên đi khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu, còn Som Oh đi hiến máu. Cả hai là thành viên CLB Sức khỏe, đến các trường tiểu học và trung học cơ sở để tuyên truyền kiến thức cho học sinh. Những trải nghiệm đó giúp họ trưởng thành, bạo dạn và năng động hơn.

Sang Việt Nam từ năm 2018, Lỳ và Som Oh phải trải qua 9 tháng học tiếng Việt, có kết quả thi loại giỏi mới được chọn trường và ngành học. Cả hai chọn Đại học Y Khoa Vinh, ở trong ký túc xá của trường, được miễn phí toàn bộ tiền học, nhà ở và hỗ trợ 2 triệu đồng chi phí sinh hoạt mỗi tháng.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, Phó bí thư Đoàn Đại học Y Khoa Vinh, cho biết hiện trường nhận được hơn 1.000 đơn tình nguyện tham gia chống dịch của sinh viên và giảng viên trong trường. Trong hơn 100 du học sinh Lào tại trường, hơn 10 bạn đã gửi đơn xin tham gia.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Hà Tĩnh hiện tại, bác sĩ Đức cho biết trường có thể huy động sinh viên Lào năm cuối và gần cuối của khối ngành y học dự phòng tham gia cùng tuyến đầu. "Tôi xúc động trước tình cảm của sinh viên nước bạn. Các bạn đã rất vất vả từ đợt dịch đầu khi không thể về quê, phải ở lại cả dịp hè và Tết", Phó bí thư Đoàn trường nói.

Theo bác sĩ Đức, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa sinh viên Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia để tăng cường tình hữu nghị và giao lưu văn hóa.

Bình Minh

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   HCM   Quê hương   Việt Nam   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...