13/11/2021 6:40  
Chiều 12/11, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo ''Định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước''.
Thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Toàn ngành nông nghiệp đã quyết tâm triển khai các giải pháp đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đột phá, với 2 trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao với bình quân 2,94%/năm, và phát triển khá toàn diện với chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Cơ cấu sản xuất có sự chuyển đổi tích cực, chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng. 
Nông sản Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. 
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ, lan rộng cả nước. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm với những thành tựu được Chính phủ đánh giá là to lớn, toàn diện và lịch sử. Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, kinh tế nông thôn phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. 
Nổi bật trong thành tựu của Nghị quyết số 26-NQ/TW là thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn tăng nhanh hơn thu nhập của cư dân thành thị, từ 12,8 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 42 triệu đồng/năm (năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân khoảng 1,5%/năm; đến đầu năm 2021, con số này còn khoảng 4,2%. 
Sớm ban hành nghị quyết mới
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tạị, hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên. Chế biến nông sản chưa phát triển; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế…. 
Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế. Nhiều địa phương đang tập trung phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế, chưa chú trọng đầu tư cho nông nghiệp. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn còn bấp bênh, chênh lệch vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao…
Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe, tham góp ý kiến vào một số định hướng giúp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn chặt hơn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là một số khuyến nghị nhằm định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.
Khẳng định Nghị quyết số 26-NQ/TW đã được ban hành rất kịp thời, đi ngay vào cuộc sống, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong bối cảnh mới cả trong nước và quốc tế, đòi hỏi cần tổng kết sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết. Từ đó, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm định hướng sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, nhận định những tham góp ý kiến của đại biểu các bộ, ban, ngành là rất sâu sắc, có ý nghĩa định hướng phát triển tốt cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. 

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Kinh tế   Nông sản   Việt Nam   sản xuất   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...