01/11/2021 19:25  
Các chuyên gia khuyến cáo phải luôn nâng cao cảnh giác, không chủ quan, áp dụng 5K, kể cả người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm ở nhiều địa phương đang tăng cao.

Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch lớn, như tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai ghi nhận 105 ca, ổ dịch Bạch Trữ ở huyện Mê Linh 46 ca, một số ổ dịch khác tại quận Đống Đa, Mỹ Đình... Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ đều ghi nhận những ca nhiễm là công nhân trong KCN. Riêng Bắc Ninh hai ngày qua phát hiện 172 ca nhiễm, trong đó 168 ca do sàng lọc cộng đồng; Phú Thọ ghi nhận gần 700 ca trong nửa tháng qua.

Thực tế, ở các địa phương đang tăng ca nhiễm như Thanh Hóa, Nghệ An, Sóc Trăng, Thái Bình, Phú Thọ, Gia Lai, Đồng Tháp... tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine chưa đến 10%. Tuy nhiên, trong số ca nhiễm có nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Như Hà Nội, Sở Y tế ghi nhận đến ngày 26/10 thành phố đã giám sát sức khỏe 5.996 người về từ các vùng dịch miền Nam, phát hiện 42 ca dương tính, trong đó 27 ca đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19.

Trả lời VnExpress sáng 1/11, bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) nhận định số ca nhiễm tăng, nhưng nếu F0 là người đã tiêm vaccine Covid-19 thì không quá lo ngại. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy người tiêm vaccine Covid-19 có miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm virus hoặc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.

"Đã xác định 'sống chung với Covid-19' thì phải chấp nhận tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh", bác sĩ Khanh nói và nhấn mạnh không tiêm vaccine thì không gọi là "sống chung Covid-19" mà là "chết chung Covid-19". Tuy nhiên, để tránh mắc bệnh, người đã tiêm đủ vaccine vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch 5K.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam) cho rằng sống chung với Covid-19 là không thể nào làm sạch Covid-19 được mà phải sống chung an toàn, giảm lây lan, không để bùng phát, tức là vẫn phải kiểm soát dịch chứ không thể "mặc kệ".

Theo ông, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều người bắt đầu quen với việc sống chung với Covid-19 nên thiếu cảnh giác trước dịch bệnh. Khi mở cửa, các tỉnh không thể cấm người đi lại nên càng phải thắt chặt quy trình và giám sát người từ vùng dịch về. Khi đó, nếu phát hiện F0, việc truy vết, khoanh vùng sẽ nhanh và hiệu quả hơn, chặn sớm nguồn lây, không để bùng phát thành ổ dịch lớn.

"Giải pháp cho các tỉnh là phải kiểm soát các trường hợp từ vùng dịch về", bác sĩ Hà nói. Địa phương phải nắm được người dân ở đâu, đi đâu và yêu cầu xét nghiệm khi trở về từ vùng dịch. Có thể không cách ly tập trung mà cách ly tại nhà, song phải tuân thủ quy định, không thả lỏng mà phải quản lý để họ không đi lung tung, dẫn đến phát tán nguồn lây.

Ngoài các biện pháp trên, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), khuyến cáo mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng như tuân thủ 5K, gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đông người - Khai báo y tế. Cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, người có nguy cơ cao. Nếu ra khỏi nhà, mỗi người cần mang theo chai cồn nhỏ khử khuẩn, đeo khẩu trang kèm kính chắn giọt bắn, hạn chế tiếp xúc với mọi đồ vật nếu không cần thiết.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và mở cửa thông thoáng các phòng. Tại bệnh viện, tất cả phòng khám ngoại trú, buồng bệnh đều phải mở toang cửa sổ, cửa chính, lắp quạt máy xoay... Ở siêu thị, shop bán hàng, quán cà phê, quán ăn, lớp học... cũng vậy. Taxi, xe buýt, xe khách... không được đóng kín cửa và phải dùng quạt.

Thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút thang máy, điện thoại... Quần áo khi đi về nên thay ra và giặt kỹ với xà phòng. Thực phẩm mua về bỏ khỏi bao hoặc khử khuẩn mặt ngoài, sau mới cất vào tủ lạnh. Dùng dung dịch sát khuẩn hầu họng, góp phần phòng chống nhiễm khuẩn.

Người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 sau 14 ngày hoặc hai mũi vaccine cũng không nên chủ quan. Người có các biểu hiện của Covid-19 như ho, sốt, mất vị giác, khứu giác... chủ động liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn.

Các địa phương những ngày qua ghi nhận nhiều ca nhiễm đã chuẩn bị phương án y tế trước nguy cơ dịch bùng phát.

Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh, khu cách ly phòng chống dịch Covid-19 đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh.

Phú Thọ đã lập ba viện dã chiến, công suất hơn 400 giường để theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, bệnh viện dã chiến số 1 điều trị 34 ca, bệnh viện dã chiến số 2 điều trị 136 ca. Ngày 31/10, Bệnh viện dã chiến Thanh Sơn với 40 giường, xây dựng tại Ban chỉ huy quân sự huyện Thanh Sơn cũ. Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Phú Thọ đang điều trị 375 ca.

Tỉnh đang điều trị 105 F0 tại nhà, nơi cư trú. Riêng TP Việt Trì điều trị 72 F0, thiết lập 9 trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Bắc Ninh giám sát công tác phòng chống dịch tại các công ty có F0, KCN thuộc huyện Quế Võ và TP Bắc Ninh. Rà soát công nhân chưa tiêm và chưa tiêm đủ, lập danh sách để tiêm vét; xây dựng và thực hiện phương án 3 tại chỗ khi có ca Covid-19 trong công ty hoặc xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt, đau họng... tại cộng đồng.

Thùy An - Thúy Quỳnh

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Giáo dục   Hà Nội   Khẩu trang   Việt Nam   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...