04/11/2021 17:25  
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội đều đánh giá tuyến đường sắt đô thị Cát Linh để lại bài học lớn về giải phóng mặt bằng, vay vốn, quản lý dự án.

Tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải chiều 4/11, trả lời báo chí về bài học kinh nghiệm sau việc triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói công tác chuẩn bị đầu tư của dự án chưa tốt, Bộ chưa lường hết nhiều vấn đề phát sinh nên phải điều chỉnh bổ sung thiết kế, hay việc chậm tiến độ. Đáng lẽ dự án hoàn thành năm 2017, song công tác giải phóng mặt bằng chậm và thiết kế kỹ thuật thay đổi khiến thời gian bị kéo dài.

Ngoài ra, tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam về đường sắt đô thị chưa có, mới có thông tư về khai thác. Trong khi thực hiện, khung tiêu chuẩn của dự án được áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nước này lại dựa theo quy chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, giữa các tiêu chuẩn cũng chưa đồng bộ, phía Trung Quốc phải tiếp tục biên soạn hoàn thiện từ năm 2013 đến 2018. Việc chưa đồng bộ ngay từ đầu có thể là bài học rút ra sau này, để tránh mất nhiều thời gian.

Cùng với đó, hệ thống quy định pháp luật chưa được đồng bộ, đặc biệt với hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) khiến các bên vừa làm phải vừa điều chỉnh.

Trong tương lai, dự án giao thông phức tạp trong đô thị thì phải tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, sau đó mới triển khai đầu tư xây lắp thì sẽ đẩy nhanh tốc độ, hiệu quả.

Bài học khác là thời gian nghiệm thu kéo dài. Dự án rất mới nên phải đối chiếu, các cơ quan đều rất thận trọng, tiêu chuẩn chưa đồng bộ vừa làm vừa cập nhật. "Đây là dự án đầu tiên, thí điểm nên có những cái ta chưa biết, nhiều bài học cần rút ra. Việc kéo dài thời gian, tiến độ là dễ xảy ra", ông Đông nói.

Về trách nhiệm các cơ quan, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo trách nhiệm chung thuộc về chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng thuộc Hà Nội. Bộ sẽ phân tích đánh giá trách nhiệm cụ thể các cơ quan liên quan và xử lý theo quy định.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn, nói: "Hà Nội đã rất cố gắng, tuyến này chậm 5-6 năm, trong đó giải phóng mặt bằng chậm 3 năm, để lại nhiều bài học rất quý báu, từ giải phóng mặt bằng, vay vốn, năng lực quản lý hệ thống, sự kết nối". Bài học lớn với Hà Nội là công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Cát Linh - Hà Đông như một cuộc di dời (hơn 100 ha phải giải tỏa, hàng nghìn hộ bị ảnh hưởng). Dù có Luật Đường sắt, song theo ông Tuấn vẫn gặp vướng mắc về cơ chế chính sách, khiếu nại kiến nghị, tố cáo rất nhiều. Đây là công trình xuyên tâm từ nội đô ra ngoại thành không phải dễ dàng giải tỏa.

Tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, cho hay để chuẩn bị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị đã bổ sung các quy trình an toàn theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT, như bổ sung 82 lao động cho công tác an toàn, được đào tạo và cấp chứng chỉ. Các quy trình và nhân viên đã được sát hạch trong 20 ngày chạy thử trước đó.

Kế hoạch vận hành giai đoạn đầu kéo dài một năm, sau đó sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm. 6 tháng đầu, tàu mở tuyến lúc 5h30, đóng tuyến lúc 20h hàng ngày, tần suất chạy 10-15 phút mỗi chuyến. Nếu khách đi đông, Metro Hà Nội sẽ điều chỉnh, tránh vận hành ít khách không hiệu quả.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2008 với tổng chiều dài 13 km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc vay vốn theo Hiệp định khung, bên tài trợ vốn chỉ định tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, thực hiện theo hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).

Trong quá trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng do UBND Hà Nội đảm nhiệm bị chậm, cộng với việc thay đổi thiết kế, trượt giá làm tăng kinh phí đền bù giải tỏa, tăng chi phí nguyên vật liệu. Tổng mức đầu tư dự án phải điều chỉnh từ 552 lên 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc tăng từ 419 lên 669 triệu USD, vốn đối ứng trong nước tăng từ 133 lên 199 triệu USD.

Sau 10 năm xây dựng, cuối tháng 4/2021, Tư vấn độc lập ACT (Pháp) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án. Tháng 10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp nhận kết quả nghiệm thu của Bộ Giao thông Vận tải, bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào khai thác thương mại.

Ngày 6/11 tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao dự án cho UBND Hà Nội quản lý và vận hành. Trong 15 ngày đầu tiên, người dân Hà Nội sẽ được đi thử miễn phí. Sau đó, dự án được khai thác thương mại chính thức, giá vé lượt 8.000 đồng nếu đi chặng ngắn, 15.000 đồng đi toàn tuyến.

Đoàn Loan

Nguồn tin: vnexpress.net


Bài học   Hà Nội   Lãnh đạo   Trung Quốc   Tập đoàn   Việt Nam   chính sách   kiến nghị   Đường sắt   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...