17/12/2021 12:40  
-Sáng nay, 17/12, Đoàn giám sát của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại huyện Phú Xuyên về việc thực hiện chuyên đề “Việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của UBTV Quốc hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2021”.
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên cho biết, tại huyện có xã Thụy Phú thuộc diện phải sắp xếp theo  Nghi quyết. Xã Thụy Phú và xã Văn Nhân trước đây thuộc xã Nam Tiến (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông), có truyền thống văn hóa tương đồng, vị trí liền kề, giao thông thuận lợi, nên việc sáp nhập Thụy Phú với Văn Nhân thành một xã tạo thuận lợi trong công tác quản lý và phát triển KT-XH, tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp là tên gọi cũ trước đây của 2 xã nên nhận được đồng thuận của đa số người dân.
Đến nay tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong hệ thống chính trị sau sắp xếp đã ổn định, hợp lý; sau sáp nhập giảm được 11 đầu mối, giảm 18 cán bộ công chức (CBCC) và 10 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho các CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND của HĐND TP với tổng số tiền 187.948.600 đồng. Việc tinh giản đội ngũ CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách xã giúp giảm chi ngân sách hằng năm, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH tại địa phương (năm 2020 giảm chi 750 triệu đồng, năm 2021 giảm chi 970 triệu đồng).
Tuy nhiên, việc sáp nhập ĐVHC cấp xã tại huyện là việc làm mới, nên trong quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít trở ngại: Sau sáp nhập, quy mô diện tích và dân số tăng, trong khi địa bàn rộng, số CBCC cấp xã bị cắt giảm theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (mỗi đơn vị 2 người), Đề án Công an chính quy về xã (1 đơn vị giảm 1 người), Đề án 21 của Thành ủy về sắp xếp người hoạt động không chuyên trách và diễn ra tại cùng thời điểm, thời gian ngắn, không có lộ trình cắt giảm, cơ sở vật chất các xã sau sáp nhập chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, chế độ chính sách và phụ cấp khu vực đối với CBCCVC… Vì vậy, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của UBTV Quốc hội trên địa bàn, UBND huyện đề nghị UBND TP giao thêm 1 biên chế công chức đối với xã Nam Tiến trong năm 2022, hỗ trợ kinh phí nâng cấp trụ sở làm việc của xã (bộ phận một cửa, phòng tiếp công dân, phòng làm việc…) cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, sinh hoạt của Nhân dân.
Trước những ý kiến từ huyện, xã, Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã tại huyện Phú Xuyên đã thu được kết quả, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng khắc phục và đạt được mục tiêu đề ra. Quá trình thực hiện không nhận được đơn thư khiếu kiện, đã giải quyết dược các yêu cầu của Nhân dân về thủ tục giấy tờ, tinh giản được bộ máy, giảm chi thường xuyên, sắp xếp trụ sở cơ quan để đảm bảo không lãng phí. Có được điều đó nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện đúng các quy định pháp luật…
Từ đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị thời gian tới, huyện cần khẩn trương hoàn thành những việc liên quan công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2022-2030 gắn với quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, rút kinh nghiệm qua quá trình vừa thực hiện. Từ cơ sở cần tự đánh giá, rà soát để đưa ra lộ trình sắp sếp phù hợp nhất, ưu tiên gắn với các quy hoạch.
“Đoàn giám sát sau quá trình giám sát thực tế, từ những ý kiến phản ánh kiến nghị từ các địa phương đã làm, sẽ có buổi làm việc trao đổi với UBND TP để xác định kế hoạch, lộ trình, cách thức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP thời gian tới. Quan trọng nhất là địa phương cần tiếp tục quan tâm đến tư tưởng, tâm tư của người dân cũng như những CBCC thuộc diện dôi dư sau sắp xếp” - Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh. 

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Công an   Hà Nội   Nghị định   chính sách   kiến nghị   quy hoạch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...