19/11/2021 11:15  
TP.HCM sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm những người mất vì Covid-19 lúc 20g00 ngày 19/11/2021 tại Hội trường Thống Nhất, Q.1 cùng với các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Điểm cầu Hà Nội tổ chức tại công viên Thống Nhất và sự kiện Lễ tưởng niệm trên cả nước sẽ được truyền hình trực tiếp. 

Trong chương trình sẽ trình chiếu một số hình ảnh, phóng sự về những ngày tháng cam go chống dịch Covid-19, sau đó các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong trong đại dịch Covid-19.

Lúc 20g30, đồng loạt các chùa và nhà thờ tại TP.HCM (TP) điểm chuông tưởng niệm, cùng lúc với tiếng còi của các tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại cảng. Chính quyền TP cũng kêu gọi người dân tắt đèn, thắp nến để cùng tưởng niệm vào lúc 20g30 và thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé.

Tính đến ngày 16/11, theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, cả nước có hơn 23.000 ca tử vong, riêng TP có 17.263 ca tử vong, chiếm 74%, trong số đó, có 38 trẻ em và 62 phụ nữ có thai. Phân tích số liệu về giới tính, số ca tử vong nam giới chiếm 41,5% và nữ giới chiếm 58,5%. Về độ tuổi, 86,5% số ca tử vong trên 50 tuổi, trong đó có 52,3% số người tử vong trên 65 tuổi.

Trong sự đau buồn vì số ca tử vong tại TP nhiều nhất trong cả nước, dẫn đến nhiều trẻ em bị mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí mất cả cha mẹ lẫn ông bà, Doanh Nhân Sài Gòn đã ghi nhận ý kiến của một số doanh nhân về Lễ tưởng niệm: 

* Ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc công ty Chanh Việt:Bản thân tôi cảm thấy rất buồn khi mỗi ngày đọc những dòng tin về số người mất vì dịch bệnh. Đó là mất mát không thể nào bù đắp được. Lễ tưởng niệm là lúc để chúng ta tưởng nhớ đồng bào của mình, về những mất mát mà đất nước đã gánh chịu trong suốt thời gian vừa qua và tôi  cho rằng Lễ tưởng niệm nên tổ chức hàng năm. Tôi xin gửi lời chia buồn đến những gia đình có người đã khuất vì Covid-19 và cảm ơn những "chiến sĩ" - những người vì nhiệm vụ chống dịch lo cho mọi người mà quên cả bản thân - trong thời gian vừa qua.

* Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Việt Thắng Jean: Làn sóng dịch vừa qua đã để lại những hậu quả hết sức đau lòng. Ngoài những tổn thất về kinh tế, mất mát lớn nhất là có quá nhiều người đã "ra đi" vì dịch bệnh. Hàng nghìn đứa trẻ mất đi người thân, mặc dù nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ chính quyền, Mạnh Thường Quân nhưng chắc chắn không thể bù đắp nỗi đau mà các cháu phải gánh chịu. Tôi cho rằng, Lễ tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19 là điều cần phải có để những người còn sống tưởng nhớ họ và là dịp nhắc nhở mọi người dân quý trọng cuộc sống, đoàn kết và có ý thức hơn để cùng nhau vượt qua những khó khăn thách thức trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

* Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM (HAMEE):Lễ tưởng niệm là chương trình cần thiết, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo và cộng đồng đối với người đã mất và gia đình của họ. Việc tổ chức thời điểm này là phù hợp, tuy nhiên không biết việc tổ chức tưởng niệm trên cả nước có xoa dịu được những gia đình có người thân mất vì Covid-19 hay không, vì còn tuỳ cảm nhận của mỗi gia đình, mỗi người. Đối với xã hội thì Lễ tưởng niệm là điều rất cần thiết, bản thân tôi hoan nghênh và sẵn sàng tham gia thể hiện sự ghi nhớ. Lâu nay, mỗi khi công ty tổ chức các hoạt động hoặc chương trình trực tuyến, chúng tôi đều dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19. 

* Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA): Đại dịch là mất mát rất lớn đối với Việt Nam và những gia đình có người thân mất vì Covid-19. Phong tục của Việt Nam khi có người qua đời đều tổ chức đám tang trang trọng để ghi nhận công lao, chia sẻ kỷ niệm của người ra đi với thân bằng quyến thuộc. Covid-19 khiến các gia đình không thể tổ chức đám tang chu đáo, vì vậy, sáng kiến làm Lễ tưởng niệm với những hình thức như vậy là rất phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa qua đi. Việc tưởng niệm bằng biểu tượng tắt đèn là rất tốt và tôi sẽ hưởng ứng điều này.

Lễ tưởng niệm không chỉ tưởng nhớ những người đã mất mà còn nhắc nhớ chúng ta nhiều bài học về cách điều hành. Covid có thể coi là thảm hoạ tự nhiên nhưng cách ứng phó cũng cần phải học hỏi. Năm 2020, chúng ta đã làm rất tốt nhưng những tháng vừa qua là thảm hoạ. Tuy nhiên, những quyết định từ tháng 9 đến nay đang thay đổi cục diện và chúng ta cũng đã rút ra những bài học kịp thời. Việt Nam thích ứng như vậy cũng không phải là quá muộn. 

* Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony: Theo tôi, cần có thêm các hoạt động thiết thực giúp đỡ thân nhân những người đã mất như thành lập quỹ từ thiện hay các chương trình nào đó để chia sẻ với họ, nhất là những gia đình chỉ còn lại trẻ em, người vợ hay người chồng yếu đuối, cha mẹ già....- những người trước nay phụ thuộc vào người đã mất nay bị mất chỗ dựa. Điều tôi quan tâm nhất là chúng ta cần làm gì để hỗ trợ họ? 

Tôi cũng mong Lễ tưởng niệm không chỉ tổ chức một lần mà ít nhất 5 - 10 năm sau vẫn được thực hiện, để khi Covid-19 trở thành dĩ vãng, những người đã quên và những người trẻ mới lớn vẫn biết đến thảm họa này. Chúng ta nên có Lễ tưởng niệm hằng năm để nhắc nhớ mọi người về thảm hoạ này, đồng thời cũng tìm cách tránh những mất mát, đau thương như vậy trong hiện tại và tương lai. Tôi đề nghị lấy Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh của Liên Hiệp quốc (27/12 hằng năm) để làm Lễ tưởng niệm, nhằm nhắc nhở mọi người có ý thức hơn về việc phòng ngừa dịch bệnh.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Doanh Nhân   HCM   Hà Nội   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...