03/03/2021 20:11  
Giấc mơ của người Trung Quốc là có thể vươn lên top đầu của thế giới vào năm 2050. Nhưng chỉ tiếc rằng, cái cách làm bóng đá "từ ngọn" của họ lại đang mang tới tác dụng ngược.

Thông tin đội vô địch giải vô địch quốc gia (VĐQG) Trung Quốc, Jiangsu Suning tuyên bố giải thể đã được truyền thông nước này mô tả là "cú sốc". Bởi lẽ, chỉ 3 tháng trước đó, họ vừa giương cao chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử.

Thực tế, những "cái chết" của Jiangsu Suning không phải là hiếm ở đất nước này. Nhà báo Ma Dexing thừa nhận rằng trong khoảng 30 năm làm nghề, ông đã chứng kiến hơn... 200 CLB ở Trung Quốc đã phải giải thể.

Chưa đầy một năm trước khi Jiangsu Suning giải thể, làng bóng đá Trung Quốc từng chứng kiến thế lực khác là CLB Tianjin Tigers cũng lâm vào tình cảnh tương tự do công ty mẹ là Hebei lâm vào cảnh nợ nần.

Có chi tiết đáng chú ý, vào hồi năm 2019, Jiangsu Suning còn tưởng chừng đã ký hợp đồng với Gareth Bale với mức lương hàng chục triệu euro mỗi năm. Thời điểm ấy, ngôi sao người xứ Wales đã sẵn sàng cho sang vùng đất mới nhưng cuối cùng, Real Madrid đã ra tay ngăn lại.

Tờ ESPN ví nền bóng đá Trung Quốc giống như một cỗ máy, mà chỉ cần những nhà đầu tư "rút phích cắm" là... ngừng hoạt động. Đây là cách ví von khá hay, nói về thực trạng "xây nhà từ nóc" của đất nước này.

Tham vọng của người Trung Quốc là sẽ trở thành thế lực của bóng đá thế giới vào năm 2050. Để thực hiện tham vọng đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp chung tay xây dựng bóng đá.

Nhưng hệ lụy đó đã sinh ra một thế hệ CLB "giàu sổi". Họ vung tiền không tiếc tay, để tạo ra những cú sốc trong làng túc cầu. Thậm chí, rất nhiều CLB mới thành lập đã được "bơm tiền" để trở thành đại gia mới nổi. Tianjin Tigers là CLB như vậy. Thực chất, họ mới thành lập vào năm 2004.

Theo thống kê của Besoccer, chỉ trong vòng năm 2017, các CLB Trung Quốc đã có 5 lần phá kỷ lục chuyển nhượng ở châu Á. Đỉnh điểm là việc Shanghai SIPG chi ra 60 triệu euro để chiêu mộ Oscar từ Chelsea. Hay CLB Shanghai Shenhua từng trả mức lương 730.000 euro/tuần cho Carlos Tevez, biến anh trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã bình luận việc các tập đoàn đổ nhiều tiền vào các CLB đã vô hình tạo nên "bong bóng". Nó có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Lời tiên đoán của Tân Hoa Xã dần trở thành sự thật. Theo ước tính, số tiền chi tiêu trung bình của 16 CLB ở giải VĐQG Trung Quốc vào năm 2018 là 1,1 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD) nhưng số tiền mà họ thu về trung bình chỉ là 686 triệu nhân dân tệ. Có nghĩa rằng, một nửa số tiền chi tiêu của các CLB Trung Quốc "bay mất".

Nhà báo Ma Dexing từng nhận định: "Số tiền bỏ ra tuy lớn nhưng nền tảng thực sự của bóng đá Trung Quốc quá yếu. Chỉ cần các tập đoàn hay doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính thì tất cả sẽ vỡ vụn".

Mục đích duy nhất của các ngôi sao sang Trung Quốc chơi bóng là vì tiền, còn lại trình độ của giải đấu này quá thấp so với họ. Carlos Tevez từng thừa nhận "Bóng đá Trung Quốc kém về mọi mặt. Có cảm tưởng như các cầu thủ Trung Quốc không được chơi bóng từ nhỏ".

Carlos Tevez không phải là người đầu tiên nhận ra vấn đề này. Cựu danh thủ Tim Cahill từng thừa nhận: "Một ngày nọ, con trai tôi nói rằng nếu như tôi tiếp tục ở lại Trung Quốc thì sẽ không tốt cho sự phát triển bóng đá của nó. Vì vậy, tôi đã quyết định ra đi".

Thế mới thấy, việc "xây nhà từ nóc" luôn mang tới hậu quả khôn lường. Từ cái ngày đội U23 Việt Nam tỏa sáng rực rỡ ở Thường Châu ở giải U23 châu Á, có vẻ như những người Trung Quốc đã nhận ra vấn đề.

Tờ Sina từng viết: "Thực tế, trong quá khứ, đội tuyển Trung Quốc chưa bao giờ thất bại trước Việt Nam ở giải đấu lớn nào. Nhưng hãy nhìn sự lớn mạnh của bóng đá Việt Nam những năm qua. Liệu chúng ta có còn tự tin thắng nổi họ?

Từ năm 2016 tới nay, các đội bóng trẻ của Việt Nam đã gây tiếng vang lớn như việc lọt vào giải U20 thế giới. Đỉnh cao nhất của Việt Nam là năm 2018 khi giành á quân giải U23 châu Á, lọt vào bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup. Những thành tích này là nhờ vào quá trình đào tạo trẻ bài bản của bóng đá Việt Nam trong 1 thập kỷ quả. Họ dựa vào lối chơi chuyền ngắn, nhanh nhẹn và linh hoạt. Họ đã thực sự tìm ra con đường để vươn lên".

Nói vậy để thấy, cách làm bóng đá của Trung Quốc và Việt Nam đang có sự khác biệt. Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ ở cấp độ châu lục. Đương nhiên, đó là kết quả của cả quá trình, chứ không phải ngày một ngày hai.

Tờ Sina từng lấy học viện HAGL của bầu Đức như là hình mẫu của sự phát triển bền vững. Lứa thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường... chính là hạt nhân đầu tiên cho sự phát triển rực rỡ như hiện nay. Không những vậy, ở Việt Nam còn có nhiều lò đào tạo chất lượng khác như CLB Hà Nội, PVF, SLNA...

Rõ ràng, với một nền bóng đá "yếu kém" so với thế giới thì không thể vươn lên trở thành "người khổng lồ" trong một sớm một chiều, mà cần tư duy phát triển lâu dài, bài bản. Thế hệ trẻ chính là gốc rẽ của sự phát triển.

Để ý thấy, những cường quốc bóng đá như Brazil, Pháp, Đức, Italia... đều sở hữu dàn cầu thủ trẻ hùng hậu. Thậm chí, không ít trong số đó đã tạo dựng nên tên tuổi ngày từ khi chưa tới 20 tuổi (điển hình là Mbappe của Pháp).

Đáng buồn là trong những năm qua, bóng đá Trung Quốc lại không sản sinh ra tài năng trẻ sáng chú ý nào. Thay vào đó, họ hướng tới việc sử dụng cầu thủ nhập tịch (thi đấu trên 5 năm ở Trung Quốc) để làm tăng sức mạnh cho đội tuyển.

Bóng đá Trung Quốc đang phải chịu hậu quả về nước cờ sai lầm của mình...

H.Long

Nguồn tin: dantri.com.vn


AFF Cup   Bóng đá   Hà Nội   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...