02/03/2021 11:05  

Doanh nghiệp không đồng ý, có chuyển được không ?

Hiện HNX vẫn chưa công bố tiêu chí cụ thể về các cổ phiếu sẽ phải “chuyển sàn”. Vì vậy nhiều nhà đầu tư và bản thân các công ty chứng khoán đều xôn xao dự báo. Theo chị Ngọc An (Quận 3, TP.HCM), chắc những cổ phiếu giá thấp sẽ bị lựa chọn để tạm dời nhà. Bởi khó có thể dời những cổ phiếu blue-chips hay cổ phiếu trong rổ VN30 vì liên quan đến các chỉ số trên sàn HOSE.
Giám đốc một công ty chứng khoán TP.HCM nhận định, đây là giải  pháp tạm thời nhưng sẽ tác động đến nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết và cả hoạt động của công ty chứng khoán. Ông cũng cho rằng những cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ nhiều khả năng bị ép chuyển sàn. Nhưng phải chuyển bao nhiêu mã chứng khoán mới đảm bảo đủ giảm tải cho HOSE? Từ đầu tháng 12.2020 khi HOSE nâng lô giao dịch từ 10 đơn vị/lệnh lên lô 100 đơn vị/lệnh thì đã tính toán được giảm tải hệ thống bao nhiêu hay chưa? Vì có nhiều phiên giao dịch sàn HOSE có giá trị lên gần 20.000 tỉ đồng nhưng cũng có nhiều phiên giao dịch chỉ đạt 13.000 - 14.000 tỉ đồng là hệ thống đã bị nghẽn lệnh.
Theo văn bản lấy ý kiến của HNX, các cổ phiếu chuyển sàn được lập một bảng riêng khi giao dịch trên HNX nhưng vẫn giữ nguyên về biên độ, giao dịch như trên HOSE. Nhưng các công ty chứng khoán cần phải có thời gian 1-2 tháng để chỉnh sửa hệ thống và sẽ phải tốn thêm chi phí. Vậy liệu tất cả công ty chứng khoán có đáp ứng kịp hay không? Một vấn đề khác là các doanh nghiệp niêm yết là những đối tượng có liên quan thì về lý, HNX phải lấy ý kiến nhưng việc này chưa thực hiện. Trường hợp có doanh nghiệp niêm yết không đồng ý chuyển sàn thì có thực hiện hay không? Đây là một giải pháp tạm thời và khá “lạ đời” trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có vẻ trên cả thế giới.

Yếu con người chứ không phải hệ thống

Việc di dời một số mã chứng khoán từ HOSE sang HNX được cho là giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh cho sàn HOSE. Nhưng kết quả có như mong muốn hay không thì chưa ai trả lời được chắc chắn. Liệu có khi nào dẫn tới hệ thống của HNX bị “đơ” vì quá tải? Hiện hệ thống của HOSE chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên. Từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỉ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở liên tục đạt kỷ lục, hệ thống giao dịch của HOSE liên tục bị nghẽn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), tình trạng nghẽn lệnh, sập sàn của HOSE thực tế đã diễn ra từ tháng 5.2008 đến tháng 1.2018. Nhưng thường xuyên từ cuối năm vừa qua đến nay là khá nghiêm trọng. Điều này cho thấy công tác quản trị, quản lý tại HOSE yếu kém. Tại sao phần mềm giao dịch mới đã được khởi động gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành? Đây là một dấu hỏi lớn mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải có câu trả lời và có người chịu trách nhiệm.
“Phần mềm giao dịch tài chính không phải là vấn đề khó nhưng 9-10 năm vẫn chưa xong. Tiền để sử dụng cho dự án cũng không thiếu. Vậy chỉ có thể nói rằng yếu kém do con người. Hiện nay đã có quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam thì tôi cho rằng công tác nhân sự cần phải được chuẩn bị kỹ hơn. Chẳng hạn phải có giám đốc công nghệ thông tin, bộ phận giám sát thị trường phải hoạt động hiệu quả hơn… Muốn thị trường chứng khoán phát triển mạnh thì không thể kéo dài tình trạng yếu kém từ bộ máy lãnh đạo vì làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   HOSE   Hiệp hội   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...