12/11/2021 20:15  
Với 250 trang, “Giấc mơ Việt Nam – Khát vọng tương lai” không phải là quyển sách mỏng. Nhưng lại là ít nếu nhìn vào chiều kích các lĩnh vực mà tác giả đề cập: Việt Nam và quá khứ; Thế giới hôm qua; Thời cơ và nguy cơ của thời đại hiện nay; Các phẩm chất của người Việt Nam, tâm hồn người Việt; Thiết kế mô hình phát triển, đường đi của Việt Nam; Phác thảo chiến lược và mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2075.

Giấc mơ Việt Nam - Khát vọng tương laicó vẻ đậm chất nghiên cứu, chuyên luận, nhưng không phải là cuốn sách thuần túy nghiên cứu mà là cuốn sách của chiêm nghiệm, suy tư, phát hiện ý tưởng. Đọc kỹ từng trang, ta sẽ thấy tác giả dường như không đặt ra việc cặn kẽ luận cứ, dữ liệu mà phần nhiều đưa ra các ý tưởng. Đây không phải cuốn sách của lập luận bài bản nhằm thuyết phục, đây là cuốn sách chia sẻ tâm tư, hiểu biết và ý tưởng. Và sự chia sẻ ấy, như ta dễ dàng cảm nhận, là sự chia sẻ nhiệt huyết, chân thành. Đây là cuốn sách khá đặc biệt về cách thức thể hiện. Mỗi tiểu mục như một status trên mạng xã hội. Tác giả liên tục “ném” vào tâm trí người đọc hết vấn đề này, khía cạnh này đến vấn đề, khía cạnh khác.

Cuốn sách rất dễ đọc, vì nó không chứa các lập luận khô khan, không quá nhiều dữ liệu, từ tên sách đến tên từng tiểu mục, nội dung, giống trò chuyện thân tình. Dễ đọc nhưng không thể đọc nhanh, bởi mỗi tiểu mục ngắn đều khiến ta muốn dừng lại so sánh quan điểm của người viết với quan điểm của ta, và ta muốn bổ sung, muốn tranh luận, muốn phản biện, nhất là muốn chia sẻ với tác giả cái nhìn và sự hiểu của chính ta - người đọc.

Mỗi người đều có cảm nhận riêng, riêng tôi, ấn tượng rõ ràng nhất sau khi đọc cuốn sách này là:

Thứ nhất, sự đặc sắc, khác biệt của góc nhìn doanh nhân đối với các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội quốc gia và toàn cầu. Sự khác biệt đó nằm ở tính thực tế, rành mạch, không câu nệ hình thức.

Một ví dụ: Các nhà lý luận có thể vướng víu trong muôn vàn các lý luận về chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, các tranh cãi về sự can thiệp hay không can thiệp của nhà nước với thị trường…còn góc nhìn của tác giả rất dứt khoát và thực dụng. Thực tế cho thấy tất cả các nước vượt lên thành công đều có giai đoạn tìm mọi cách sao chép công nghệ, sản phẩm trước khi làm được điều lớn lao là trở thành nước sáng tạo công nghệ, sản phẩm mang thương hiệu mạnh mẽ của riêng mình. Trong giai đoạn đó, các doanh nghiệp nội địa đều được chính phủ bảo hộ tối đa bằng hàng loạt chính sách nhất quán, đồng thời đều mạnh tay và nghiêm khắc với việc kiểm soát các hoạt động kinh tế, trừng trị tham nhũng, hối lộ.

Tác giả cho rằng bảo hộ doanh nghiệp là yếu tố không thể thiếu nếu muốn thành công và không ngại nhận định: “Tính kế thừa, xuyên suốt trong chính sách kinh tế của Việt Nam không kéo dài, thường nửa vời, tính thực thi kém…Các doanh nghiệp tư nhân nhận ít nhận được sự trợ giúp của Chính phủ, chủ yếu tự xoay xở”. Hoặc khi nói về khái niệm “công bằng” trong tự do thương mại, tác giả dứt khoát : "Thực chất không bao giờ có một cuộc đấu công bằng cả”.

Thứ hai, tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt cuốn sách là sức mạnh tinh thần, văn hóa, truyền thống cùng với thể chế phù hợp là chìa khóa cho thành công bứt phá kinh tế. Phần rất lớn của cuốn sách đề cập đến văn hóa, tinh thần, cả tín ngưỡng, tâm linh, những điều tưởng như xa lạ với kinh tế. Đó là tầm nhìn có được từ bề dày trải nghiệm, suy ngẫm.

Thứ ba, và đây là điều đặc biệt thú vị, tạm gọi là “tư duy âm dương” của tác giả khi nhìn nhận mọi vấn đề rất phức tạp. Tác giả không một chiều, không định kiến khi nói đến mọi điều, kể cả những vấn đề như các thể chế “toàn trị” hay “dân chủ”, toàn cầu hóa hay biệt lập, lợi ích nhóm hay tư bản thân hữu, sở hữu chéo và độc quyền, bảo hộ và mở cửa... Tác giả có những đúc rút thực sự đáng để người đọc suy ngẫm: “Mọi sự thịnh vượng đều có giá của nó. Thất bại cũng vậy”, “Không có thể chế nào là hoàn hảo. Sự vận động luôn đòi hỏi tính hợp lý, thay đổi lên xuống. Tùy thời và tùy người".

Cuối cùng: Điều một người viết cuốn sách nghiên cứu thuần túy sẽ e ngại, nhưng người viết cuốn sách chia sẻ ý tưởng thì không, đó là đưa ra dự báo và mô hình giải pháp chiến lược phát triển một cách rõ ràng, thẳng thắn, cụ thể, thậm chí đưa ra định lượng chi tiết cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước vào nửa thế kỷ tới. Tác giả cuốn sách không ngại ngần đưa ra “giấc mơ” của mình về Việt Nam năm 2060 và những năm sau, không ngại vẽ lên sơ đồ bố trí từng vị trí của “đội bóng” kinh tế Việt Nam trong cuộc đua sức với đối thủ, không ngại nói về vị trí trong top 5 nền kinh tế thế giới mà Việt Nam cần và có thể hướng đến. Nên hiểu tác giả nói những điều trên không phải như một người mơ mộng mà dựa vào hiểu biết, trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi và niềm tin của mình sau những suy tư, chiêm nghiệm về thế sự quốc gia, quốc tế. 

Phần viết cuối Giấc mơ Việt Nam - Khát vọng tương lai cũng như nhiều nhận định, quan điểm ở các phần đầu cuốn sách đó là sự thẳng thắn và rất khác biệt. Có lẽ đó là lý do tại sao trong “Lời nhà xuất bản” có dòng “Nhà xuất bản cố gắng giữ ý kiến của tác giả và khẳng định những ý kiến đó của riêng tác giả chứ không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản”, và cuốn sách được ghi là “Sách tham khảo”. 

Cuốn sách khá đặc biệt ở điểm này và rất nên đọc, để đồng ý, hoặc ngược lại, để phản biện.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Khát vọng   Việt Nam   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...