04/10/2021 8:25  
"Hồ sơ Pandora" tập hợp hàng triệu tài liệu rò rỉ, hé lộ giao dịch và tài sản nước ngoài của hơn 100 tỷ phú, 35 lãnh đạo thế giới.

Hồ sơ Pandora gồm 11,9 triệu tập tài liệu bị rò rỉ từ hàng chục công ty dịch vụ tài chính, được các khách hàng giàu có thuê để tạo tài sản và giao dịch ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman.

Khối tài liệu khổng lồ này đã tiết lộ bí mật về các nguồn tài chính cùng giao dịch ở nước ngoài của 35 lãnh đạo thế giới, hơn 300 quan chức như bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 nước. Hơn 100 tỷ phú cùng những người nổi tiếng và các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị điểm tên trong Hồ sơ Pandora.

Cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora đang được Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tiến hành với sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ các tờ như Washington Post, BBC và Guardian.

Các tài liệu từ Hồ sơ Pandora tiết lộ vua Abdullah II của Jordan tạo ra mạng lưới các công ty ở nước ngoài và các thiên đường thuế để tích lũy khối tài sản trị giá 100 triệu USD từ Malibu, California đến Washington và London.

Hồ sơ cũng tiết lộ gia đình và các cộng sự của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã bí mật tham gia vào các thương vụ mua bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD ở Anh.

Tổng cộng, ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các thiên đường thuế nước ngoài và 336 chính trị gia, quan chức cấp cao, gồm hơn chục người đang là lãnh đạo các nước cùng loạt bộ trưởng, đại sứ và các chức vụ khác.

Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ hàng triệu tài liệu tài chính mới nhất của của ICIJ, từ LuxLeaks năm 2014 đến Hồ sơ Panama năm 2016.

Trước Hồ sơ Pandora, Hồ sơ Panama năm 2016 là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama). Báo cáo của ICIJ dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp khách hàng lập ra hàng trăm nghìn công ty tại những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, như Quần đảo British Virgin, Quần đảo Cayman, Quần đảo Seychelles và Bermuda.

Hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức vì bê bối này, trong đó có thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria hay người đứng đầu của Văn phòng Minh bạch Quốc tế Chile.

Ngọc Ánh (Theo AFP/Guardian)

Nguồn tin: vnexpress.net


Azerbaijan   Bermuda   Hiệp hội   Tổng thống   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...