01/10/2021 17:10  
Triều Tiên đang nối lại các vụ thử vũ khí liên tiếp sau khi các cuộc đàm phán với Mỹ rơi vào bế tắc và căng thẳng leo thang trong khu vực.

Tại đại hội đảng hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố danh sách chi tiết các loại vũ khí mà ông nói rằng đất nước của ông đang phát triển để đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài. Triều Tiên đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để "trình làng" các loại vũ khí này.

Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử tên lửa kể từ sau đại hội đảng, bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm cấm nước này phát triển tên lửa đạn đạo.

Ngày 30/9, Triều Tiên tuyên bố phóng thử một tên lửa phòng không mới phát triển "nhằm khẳng định tính thực tiễn trong hoạt động của bệ phóng, radar và phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện cũng như năng lực chiến đấu của tên lửa". Bình Nhưỡng khẳng định vụ thử này có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu và phát triển các loại hệ thống tên lửa phòng không trong tương lai của Triều Tiên.

Vài ngày trước đó, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử vũ khí được cho là tên lửa siêu thanh Hwasong-8. Tuy chưa rõ các thông số kỹ thuật của tên lửa siêu thanh Hwasong-8, nhưng về lý thuyết, các tên lửa lượn siêu thanh có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và có thể rất linh hoạt trong khi bay, khiến nó gần như không thể bắn hạ.

Hồi đầu tháng này, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa. 

Quân đội Hàn Quốc nhận định tên lửa Hwasong-8 mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, cho thấy Triều Tiên vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể gia nhập các cường quốc quân sự tinh nhuệ như Mỹ và Nga. Tuy nhiên, vụ thử Hwasong-8 là tín hiệu mới nhất cho thấy Triều Tiên đang phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.

Đầu đạn hạt nhân

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân và nước này đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân với độ phức tạp ngày càng tăng từ năm 2006 đến năm 2017. 4 vụ thử gần đây nhất được thực hiện trong giai đoạn cầm quyền của ông Kim Jong-un.

Vụ thử hạt nhân mạnh nhất và mới nhất của Triều Tiên được tiến hành vào tháng 9/2017, khi Triều Tiên tuyên bố đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch. Ước tính sức nổ của quả bom này dao động từ 50-300 kiloton. Chỉ với 100 kiloton, quả bom này sẽ mạnh gấp 6 lần quả bom ném xuống Hiroshima năm 1945.

Triều Tiên đã chiết xuất plutonium, một loại nhiên liệu cho bom nguyên tử, từ lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Nước này cũng chạy các máy ly tâm để sản xuất uranium, một loại nhiên liệu chế tạo bom khác.

Theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, tính đến tháng 1/2020, Triều Tiên có từ 30-40 đầu đạn hạt nhân và có thể sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho 6 hoặc 7 quả bom mỗi năm.

Trong những tháng gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tăng cường sản xuất plutonium và uranium ở Yongbyon.

Tên lửa uy lực hơn

Năm 2017, Triều Tiên đã đạt được những bước tiến lớn về năng lực vũ khí của mình.

Vào thời điểm đó, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 qua Nhật Bản và đe dọa một cuộc tấn công xung quanh vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Triều Tiên cũng phóng thử Hwasong-14 và Hwasong-15, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của nước này.

Cuối năm đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên có khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lục địa Mỹ.

Sau năm 2017, Triều Tiên đã tạm ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, nhưng dọa sẽ nối lại hoạt động này khi các cuộc đàm phán với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sụp đổ vào năm 2019.

Trong cuộc duyệt binh vào tháng 10 năm ngoái, Triều Tiên đã "trình làng" một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, dường như lớn hơn bất kỳ tên lửa nào trước đó của nước này.

Tại đại hội đảng hồi tháng 1, ông Kim Jong-un đã công bố danh sách các loại vũ khí "đáng gờm" mà Triều Tiên dự định phát triển, bao gồm tên lửa hạt nhân "đa đầu đạn", tên lửa "siêu thanh", tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm và từ mặt đất sử dụng nhiên liệu rắn và "vũ khí hạt nhân chiến thuật tối tân". Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ phóng tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân hay chưa.

Vũ khí ngày càng tinh vi

Khi Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa vào năm 2019 sau khi cuộc đàm phán với Mỹ sụp đổ, 3 loại vũ khí mới, gồm tên lửa KN-23, KN-24 và KN-25, đã được thử nghiệm. Các tên lửa này đã đánh dấu những bước tiến lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên.

Không giống các tên lửa cũ sử dụng nhiên liệu lỏng, cả 3 tên lửa mới đều sử dụng nhiên liệu rắn. Các tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn, được lắp trên bệ phóng di động, dễ dàng vận chuyển và cất giấu hơn, đồng thời tốn ít thời gian hơn để chuẩn bị. Ít nhất hai trong số các tên lửa này, gồm KN-23 và KN-24, có thể hoạt động ở tầm thấp, khiến chúng khó bị đánh chặn hơn.

Tại cuộc duyệt binh hồi tháng 1, Triều Tiên đã trưng bày phiên bản nâng cấp lớn hơn của tên lửa KN-23. Các bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy đây là tên lửa dẫn đường chiến thuật mới được Triều Tiên phóng vào ngày 25/3.

Triều Tiên cũng phóng thử "tên lửa hành trình tầm xa" vào tháng 9. Bình Nhưỡng gọi các tên lửa này là "vũ khí chiến lược", nhiều khả năng sẽ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Hai vụ thử tên lửa gần đây nhất cho thấy tên lửa của Triều Tiên ngày càng khó bị đánh chặn hơn.

Trong vụ thử ngày 15/9, Triều Tiên đã phóng tên lửa từ một đoàn tàu chui ra khỏi đường hầm trên núi. Triều Tiên được cho là có rải rác hàng nghìn cơ sở quân sự dưới lòng đất, nơi có thể cất giấu tên lửa trước khi chúng được phóng ra để tấn công bất ngờ.

Ông Kim Jong-un hồi tháng 1 cho biết Triều Tiên cũng sẽ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để có phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân yên tĩnh hơn. Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong từ năm 2015.

Trong các cuộc duyệt binh được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái và đầu năm nay, Triều Tiên đã "trình làng" vũ khí giống như phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong. Triều Tiên hiện chỉ có một tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo, nhưng tuyên bố đang đóng tàu mới với uy lực mạnh hơn.

Theo New York Times, Triều Tiên có một trong những đội quân thường trực lớn nhất thế giới với hơn một triệu binh sĩ, nhưng phần lớn trang thiết bị của nước này đã cũ và lạc hậu, trong khi quân đội đang thiếu nhiên liệu và phụ tùng thay thế. Triều Tiên đã tìm cách bù đắp những thiếu sót của nước này bằng cách chế tạo vũ khí hạt nhân.

"Bình Nhưỡng đang ở trong một cuộc chạy nước rút chóng mặt để xây dựng kho vũ khí chứa các loại vũ khí tiên tiến mà bạn có thể tìm thấy ở Mỹ hoặc Nga", Adam Mount, thành viên cấp cao tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Donald Trump   Hiệp hội   Kim Jong-un   New York Times   Nhật Bản   Trump   Tổng thống   chiến lược   căng thẳng   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...