18/12/2021 14:10  
Hai lần thua lỗ nhưng lão nông Nguyễn Văn Thanh ở Cần Thơ vẫn quyết tâm chinh phục con cua đinh đến cùng. Hiện đàn cua đinh khoảng 700 con giúp ông Thanh sống nhàn, đút túi hơn 300 triệu đồng/năm.

Cua đinh (hay còn gọi là baba Nam Bộ) là loài vật đang được nhiều nông dân ở ĐBSCL lựa chọn để khởi nghiệp vì giúp thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ nuôi để bán con giống, bán thịt mà còn có thể bán cho các hộ gia đình nuôi làm kiểng. Cua đinh được xếp vào hàng đặc sản.

Hai lần nuôi "cua", lỗ 150 triệu đồng

Hơn 10 năm trước, sau khi nuôi heo bị thua lỗ, giá cả bấp bênh và cực công chăm sóc, ông Nguyễn Văn Thanh (57 tuổi, ngụ tại khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Cần Thơ) đầu tư 100 triệu đồng mua 200 con cua đinh giống (giá khi ấy 500.000 đồng/con) để nuôi thử nghiệm.

Tuy nhiên, nuôi được thời gian ngắn, cua đinh chết sạch, ông lại mua thêm 50 con cua đinh hậu bị và hao hụt còn 10 con. Từ số cua đinh bố mẹ còn sót lại, ông Thanh ươm dưỡng thành cua đinh trưởng thành và mua thêm cua đinh giống để tăng đàn. 

"Lúc đầu tôi cũng lo ngại lắm vì bị lỗ sạch nhưng vì quá đam mê với con cua đinh, tôi không thể bỏ cuộc, nên vẫn quyết định rót vốn thêm 50 triệu đồng mua con giống nuôi tiếp", ông Thanh kể.

Trải qua nhiều lần thất bại, ông Thanh bỏ thời gian tham quan nhiều cơ sở nuôi cua đinh và rút được kinh nghiệm, học được kỹ thuật nuôi cua đinh cũng như cách chăm sóc và phòng bệnh cho loài đặc sản này. 

Xác định môi trường là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại với năng suất sinh sản và chất lượng trứng của cua đinh, nên ông Thanh thiết kế ao nuôi có nguồn nước sạch, độc lập để bảo đảm điều kiện sống tốt cho cua đinh. Cùng với đó, yếu tố quan trọng khác là tạo không gian yên tĩnh, kín đáo, quang đãng, dễ thoát nước.

Bể nuôi cua đinh được ông Thanh thiết kế bằng xi măng, mỗi bể diện tích 2-3m2, mật độ nuôi con 4 cái, một con đực/bể. Phía trên bể được lợp lưới để tạo bóng râm, giảm nhiệt độ môi trường. Đây là điều kiện rất quan trọng vì cua đinh khá dễ sốc nhiệt, nếu trời quá nóng, cua chậm phát triển, dễ nhiễm bệnh.

Nuôi cua đinh việc quan trọng nhất là phải kỹ lưỡng về thức ăn, không cho thêm muối hay những loài vật bị nhiễm mặn, bị ươn, mốc vào thức ăn cho cua. "Thức ăn của cua đinh chủ yếu là cá rô phi tươi, xay nhuyễn. Mỗi ngày, tôi chỉ cho ăn một cữ vào xế chiều. Khi thời tiết lạnh thì cho cua đinh ăn ít lại, ông Thanh nói thêm.

Cũng theo chủ trang trại, lượng thức ăn dành cho cua đinh phải vừa đủ, không dư không thiếu, vì nếu thức ăn dư sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, dễ gây bệnh cho cua đinh.

Với tổng đàn khoảng 700 con cua đinh, mỗi ngày, ông Thanh chỉ tốn chừng 200.000 đồng tiền thức ăn. Tuy ăn ít nhưng cua đinh lớn khá nhanh. Cơ sở của ông Thanh đã nuôi được những con cua đinh nặng từ 18kg.

Quả ngọt đến nhờ sự kiên trì

Cua đinh nuôi từ 5 năm mới sinh sản, mùa vụ bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 7 (âm lịch). Cua đinh đẻ trứng trên hố cát. Sau đó ông Thanh sẽ lượm vào nhà để ấp nhân tạo, ấp khoảng 100 ngày thì cua đinh nở, tỷ lệ đạt hơn 80%. Cua đinh lớn được 7cm có thể xuất bán với giá 400.000 đồng/con.

Cua đinh trưởng thành đạt trọng lượng từ 5kg có thể bán thương phẩm, giá 500.000 đồng/kg. Do chủ yếu bán giống nên số lượng cua đinh thương phẩm tại cơ sở của ông Thanh còn khá hạn chế, chủ yếu để bán cho khách quen.

"Từ 2019 đến nay, mỗi năm tôi cung cấp từ 700 con cua đinh giống, chưa tính cua thịt, trừ hết chi phí lợi nhuận được hơn 300 triệu đồng", lão nông Nguyễn Văn Thanh tiết lộ.

Sau một thập kỷ gắn bó với con "baba Nam Bộ", hiện ông Thanh đã sở hữu được trang trại cua đinh rộng 400m2 với 25 bể cua đinh, tổng đàn gồm 200 con bố mẹ và khoảng 400 con cua đinh hậu bị. Hiện, cua đinh của ông đã được một hợp tác xã ở Hậu Giang bao tiêu với mức giá ổn định.

Bảo Kỳ

Nguồn tin: dantri.com.vn


chinh phục   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...