22/09/2021 8:05  
Pháp đã bắt đầu nhận được sự hậu thuẫn từ EU và đồng minh liên quan bất đồng với Mỹ về liên minh AUKUS.

Đồng minh căng thẳng

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, Mỹ ngày 15.9 công bố thành lập liên minh cùng Anh và Úc dưới tên gọi AUKUS để ứng phó tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ để Úc phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngay sau đó, Canberra đã công bố hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm động cơ điện-diesel vốn được ký kết với Paris vào năm 2016. Vụ việc đã khiến Paris chỉ trích mạnh mẽ Canberra lẫn Washington.
Đến hôm qua 21.9, Reuters dẫn lời ông Josep Borrell, phụ trách đối ngoại của EU, đã lên tiếng cho rằng “cần hợp tác nhiều hơn, phối hợp nhiều hơn, ít phân hóa” để đạt được Indo-Pacific hòa bình và ổn định khi Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh ở khu vực này. Cũng liên quan vụ việc, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Một trong các quốc gia thành viên của chúng tôi đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được, vì vậy chúng tôi cần biết điều gì đã xảy ra và lý do tại sao”.
Tương tự, ông Michael Roth, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề châu Âu của Đức, nhấn mạnh EU cần phải vượt qua những khác biệt của mình và nói chung một tiếng nói.
“Tất cả chúng ta cần phải ngồi xuống bàn; niềm tin đã mất phải được xây dựng lại dù điều này sẽ không dễ dàng”, Reuters dẫn lời ông Roth. Ông cũng cho rằng Washington đang đánh mất lòng tin của các đồng minh ở châu Âu.

Cựu lục địa chậm chân ?

Trong khi đó, truyền thông quốc tế dẫn lời giới quan sát cho rằng bên cạnh bất đồng về việc Úc hủy bỏ thương vụ tàu ngầm với Pháp, một vấn đề khác là dường như EU đã bị Mỹ đưa ra ngoài cuộc trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Indo-Pacific, bởi Anh đã không còn là thành viên của EU.
Chính vì thế, chỉ 1 ngày sau khi Mỹ cùng với Anh và Úc công bố AUKUS, Hội đồng châu Âu ngày 16.9 đã công bố chiến lược về Indo-Pacific. Trong đó, EU nhấn mạnh lợi ích của khối tại Indo-Pacific, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường hợp tác và hoạt động ở khu vực này.
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ C.J.Jenner (chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị tại Đại học Oxford, Anh) nhận xét EU đề ra chiến lược chính thức để tăng cường sự hiện diện ở Indo-Pacific và chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc, cam kết tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Đài Loan và triển khai thêm tàu để giữ các tuyến đường biển rộng mở.
“Thật không may cho chủ tịch Ủy ban Châu Âu và người đứng đầu chính sách đối ngoại là ông Josep Borrell, việc công bố chiến lược hoàn toàn mới của châu Âu đã bị che khuất bởi sự ra đời của AUKUS cùng ngày. Hoàn toàn bất ngờ trước liên minh AUKUS, bà Ursula von der Leyen và ông Borrell xuất hiện như những người ngoài cuộc, hoàn toàn không biết gì về sự phát triển chiến lược quan trọng nhất ở Indo-Pacific”, tiến sĩ Jenner nhận xét.
Ông đánh giá thêm: “Chiến lược mới của EU bao gồm “các cuộc tập trận chung và ghé cảng với các đối tác ở Indo-Pacific Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và “tăng cường triển khai hải quân” của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Pháp là thành viên EU duy nhất có sự hiện diện đáng kể trong khu vực, và vẫn chưa rõ sự tham gia của hải quân thuộc EU với AUKUS”.
“Liên minh AUKUS chắc chắn là một thất bại địa chính trị đối với Pháp. Không sớm thì muộn, London và Washington sẽ tái phối hợp lực lượng hải quân vào các hoạt động xuyên Đại Tây Dương và Indo-Pacific”, theo tiến sĩ Jenner.
Thực tế, bên cạnh việc Pháp có một số hoạt động hạn chế ở khu vực hay Hà Lan vừa cử chiến hạm tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương, các thành viên còn lại vẫn còn thiếu sự hiện diện ở Indo-Pacific.
Chỉ mới đây, Đức điều tàu đến khu vực và lên kế hoạch hoạt động cùng chiến hạm của Úc. Tuy nhiên, Berlin dường như không muốn gây nhiều căng thẳng với Bắc Kinh. Điều đó thể hiện qua việc Berlin ngỏ lời để tàu hộ tống Bayern của Đức cập cảng thăm Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối. Nguyên nhân từ chối có thể là do việc chiến hạm Bayern có hải trình đi qua Biển Đông, ẩn chứa thông điệp thực thi tự do hàng hải ở khu vực này.
Chính vì thế, dù khẳng định có quyền lợi sát sườn ở Indo-Pacific, nhưng EU có vẻ đang chậm chân ở khu vực này.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Reuters   Trung Quốc   chiến lược   chuyên gia   chính sách   căng thẳng   hành vi   hợp tác   sân bay   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...