21/12/2021 8:25  
Cách trung tâm thành phố 30 km, hơn 20 năm qua hàng chục nghìn dân ở dự án Khu đô thị Tây Bắc sống khổ khi nhà đất không thể sửa chữa, tách thửa, chuyển nhượng.

Con đường Đào Văn Thử nhỏ hẹp dẫn tới nhà ông Huỳnh Minh Huệ, ngụ ấp Xóm Chùa, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi chỉ cách quốc lộ 22 chừng 500 m. Lập gia đình năm 1990, ông Huệ thừa hưởng mảnh đất hương hỏa bà ngoại để lại, rộng khoảng 1.200 m2. Vì nghèo khó, vợ chồng ông chỉ làm một cái nhà tạm, lợp lá, quây vách bằng nan tre. Cách đây hơn 20 năm, ông nghe tin thành phố chủ trương quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc. Nhưng từ đó đến nay, ông và người dân trong ấp không thấy cán bộ về đo vẽ, ghi chép thông tin.

Cũng thời gian này, cô con gái thứ 2 của ông Huệ đang tuổi lớn. Vợ chồng ông bàn nhau thuê thợ xây cất ngôi nhà ba gian rộng hơn 100 m2 để gia đình sống thoải mái hơn. "Hồi đó chưa có quy định về các giấy tờ khi xây nhà nên chúng tôi làm dễ lắm. Còn bây giờ chỉ cần đổ đống cát trước cổng là cán bộ đô thị tới ngăn cản vì đất trong diện quy hoạch", ông Huệ kể.

Đến nay, những người con của ông Huệ đã lập gia đình, sinh con nhưng ngôi nhà cấp 4 xây gần 20 năm trước chưa một lần sửa chữa vì nằm trong đất quy hoạch. Phòng khách lộ nhiều vết nứt nẻ và trần nhà rêu xanh loang lổ, thấm dột. Mái làm bằng tôn rỉ sét, trần lợp la phông cũ, chỉ cần một trận mưa lớn, nhà ông bị dột khắp nơi. Cả gia đình ông Huệ 3 thế hệ nhiều năm phải sống trong cảnh chật chội, mưa dột, nắng nóng.

Hai năm trước, ông Huệ lên xã xin giấy cho phép thay lại mái tôn. Tới lui mấy bận, ông mới được cấp giấy đồng ý cho thay. Cán bộ xã nhắc đi nhắc lại ngoài thay tôn không được sửa gì khác. "Đến lợp tấm tôn còn mệt mỏi huống chi sửa chữa những cái phức tạp hơn", người đàn ông 65 tuổi, làn da sạm đen thở dài.

Mấy năm nay, ông Huệ nhiều lần lên xã xin được tách thửa để các con ra riêng nhưng đều bị từ chối. Năm ngoái, ông bị tai biến, tay trái gần như không hoạt động được. Ngày nào ông cũng phải uống thuốc ba lượt, hàng tháng lên bệnh viện khám một lần. Mấy hôm nay nhiệt độ Sài Gòn xuống thấp, đôi tay của ông lại đau nhức. "Sức khỏe yếu đi nhiều mà ngày nhìn thấy nơi mình ở được xóa quy hoạch treo nghe chừng còn xa quá", ông Huệ nói.

Cách nhà ông Huệ chừng 5 km, theo quốc lộ 22 tới ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, nhà của bà Cao Thị Đạo, 52 tuổi, cũng trong quy hoạch treo của Khu đô thị Tây Bắc. Hai năm trước, bà Đạo khấp khởi mừng khi cán bộ ấp phát phiếu đăng ký thông tin để hơn 2.000 m2 đất trồng cây hàng năm của gia đình có cơ hội chuyển thành đất ở. Nhưng từ hôm đăng ký đến nay, bà không nhận được hồi âm.

"Dân ở đây khổ lắm, nhiều người lén lút quây tôn xây nhà nhưng được mấy hôm bị lực lượng đô thị cưỡng chế, tháo dỡ. Nhiều người có đất rộng nhưng phải đi ở trọ chờ khu vực xoá quy hoạch để được xây nhà", bà Đạo nói.

Gia đình ông Huệ, bà Đạo trong số hơn 56.000 người dân sống dọc quốc lộ 22 thuộc huyện Củ Chi và Hóc Môn dính quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1998. Toàn dự án rộng hơn 6.000 ha được định hướng thành khu đô thị vệ tinh, trung tâm về phía Tây Bắc của thành phố; đầu mối thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa...

Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Dũng Anh, Phó ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc, quy hoạch của đơn vị tư vấn trước đây không lường hết những vấn đề của khu dân cư hiện hữu có từ lâu đời dọc quốc lộ 22 và tỉnh lộ 8. Việc xóa bỏ khu dân cư đã ổn định không những gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng mà còn ảnh hưởng quyền lợi nhà đất, mong muốn an cư của người dân.

Do đó, mới đây Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình có văn bản kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh giảm quy mô Khu đô thị Tây Bắc từ 6.000 ha xuống 4.410 ha. Phần diện tích hơn 1.670 ha dọc quốc lộ 22 sẽ quy hoạch phù hợp điều kiện thực tế, giải quyết bức xúc kéo dài của người dân. Điều này đồng nghĩa 56.000 người dân bị quy hoạch treo nhiều năm được sửa chữa nhà ở, tách thửa, chuyển nhượng đất đai khi có nhu cầu.

Nếu được chấp thuận, TP HCM sẽ lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/5000. Khu dân cư hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang theo hướng bố trí nhà ở thấp tầng, tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ cao tầng tại các khu vực lân cận nhà ga metro và dọc theo các trục giao thông chính...

Ông Hồ Văn Dũng Anh cho biết chủ trương giữ lại 1.670 ha theo ranh khu dân cư hiện hữu để chỉnh trang, kết nối đồng bộ khu đô thị mới 4.410 ha nhằm ổn định đời sống người dân là cần thiết. Nếu kiến nghị của thành phố được chấp thuận, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc sẽ hoàn thiện đồ án theo hướng điều chỉnh mới, trình UBND thành phố phê duyệt, đảm bảo quyền lợi người dân.

Hà An

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   dịch vụ   kiến nghị   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...