29/04/2021 12:08  
Viện Công nghệ Ấn Độ và Đại học Washington, Mỹ, dự đoán làn sóng Covid-19 ở Ấn Độ có thể đạt đỉnh từ ngày 10/5 đến 18/5.

Theo Viện công nghệ Ấn Độ, số ca Covid-19 đang được điều trị (không tính những người đã hồi phục) có thể lên tới 4,8 triệu người vào khoảng ngày 14-18/5. Số trường hợp dương tính theo ngày từ 4/5 đến 8/5 ước tính khoảng 440.000. Để dự đoán đỉnh dịch, các nhà khoa học đã áp dụng mô hình toán học dựa trên ca nghi nhiễm do tiếp xúc F0, trường hợp dương tính chưa được phát hiện và xét nghiệm chủ động.

Tuần trước, các nhà nghiên cứu cho rằng đại dịch có thể đạt đỉnh từ ngày 11-15/5 và suy yếu mạnh vào cuối tháng.

Nghiên cứu được giáo sư Maninder Agrawal, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Đại học IIT-Kanpur, chia sẻ ngày 24/4. Ông cho biết hiện chưa rõ số ca nhiễm cao nhất là khoảng bao nhiêu.

Kết quả gần giống với công trình dự đoán trước đó của các nhà khoa học Mỹ. Ngày 15/4, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington dự báo dịch bệnh tại Ấn Độ đạt đỉnh vào ngày 10-15/5. Số ca tử vong mới ngày 10/5 là khoảng 5.600. Điều này có nghĩa gần 300.000 người Ấn sẽ mất mạng vì Covid-19 kể từ tháng 4 đến tháng 8.

Thực tế, số ca nhiễm nCoV hàng ngày của nước này đã tăng gấp đôi so với mức đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái. Trong hai tuần đầu tháng 4, số trường hợp dương tính tăng 71%, số ca tử vong hàng ngày tăng 55%. Lý do phần lớn sự chủ quan của chính phủ, các cuộc tụ họp đông người và biến thể virus.

Phân tích từ IHME kết luận Covid-19 là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất tại Ấn Độ, tính đến giữa tháng 4.

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người khi dịch đạt đỉnh, tiến sĩ Bhramar Mukherjee, Đại học Y tế Công cộng Michigan, cho rằng chính phủ Ấn Độ nên siết lệnh phong tỏa, cấm đi lại ở nhiều khu vực hơn, bắt buộc đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người và hạn chế di chuyển giữa các bang. Bà cũng nhận định cần tăng cường tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành.

"Đây không phải đợt bùng phát cuối cùng, cũng không phải biến thể cuối cùng, chúng ta cần kế hoạch hành động vì sức khỏe cộng đồng thật thống nhất, rõ ràng", bà Bhramar Mukherjee nói.

Thục Linh (Theo Livemint, India Today)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Công nghệ   Máy tính  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...