18/08/2021 11:25  
Bình ThuậnTrót yêu vẻ đẹp mũi Kê Gà, cặp vợ chồng "rất thành thị" quyết định bỏ cuộc sống ở TP HCM để về biển khởi nghiệp.

Đã 2 năm kể từ khi Phan Lê Tân (sinh năm 1996) cùng vợ và chú chó tên HuTa tạm biệt cuộc sống thành thị vốn đã rất quen thuộc tại TP HCM để chuyển đến mũi Kê Gà (Bình Thuận) xây dựng cuộc sống mới. Do tình hình dịch bệnh nên homestay của gia đình ngừng nhận khách 3 tháng nay. Nhưng đôi vợ chồng vẫn đang tận hưởng cuộc sống thi vị, dành nhiều thời gian cho nhau, đọc sách, trồng cây, chăm sóc con, mua cá mực về xẻ phơi để làm khô. Khi nghĩ về quyết định bỏ phố về biển, Tân chưa bao giờ cảm thấy hối hận.

Khi còn ở TP HCM, Tân học ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, chuyên ngành Cơ điện tử nhưng lại có máu kinh doanh nên vừa học, vừa quản lý trại gà nhỏ và vựa trái cây ở quê mình là Tiền Giang. Do đó, chàng trai trẻ tiết kiệm được một khoản tiền khá. Trong thời gian đi học, anh cùng nhóm bạn thân thường xuyên đi phượt đó đây và đến Mũi Kê Gà cắm trại vào năm 2017. Lần đầu đến đây, Tân đã bị "mê hoặc" bởi vẻ đẹp hoang sơ và không khí trong lành, hải sản tươi sống và con người thân thiện.

Về lại Sài Gòn, anh không thể bỏ ra khỏi đầu cảm giác bình yên khi đi cano sang ngọn hải đăng để cắm trại, sáng ngắm bình minh tại một trong những miền cực đông của Tổ quốc. Anh chợt nảy ra ý tưởng khởi nghiệp, làm dịch vụ nghỉ dưỡng tại đây để chia sẻ cảm giác này tới nhiều người hơn. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh biết được cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết sẽ hoàn thành trong thời gian tới nên giao thông cũng sẽ thuận tiện. Được sự đồng ý của người vợ mới cưới, Tân quyết định "liều", bỏ hết mọi thứ mình đang có ở thành thị, về biển lập nghiệp. "Sài Gòn dạy mình trưởng thành hơn rất nhiều, nhưng mình vẫn thích cuộc sống nơi vùng quê hơn", Tân chia sẻ.

Những ngày đầu tiên chuyển hẳn về Bình Thuận thực sự vất vả với đôi vợ chồng trẻ. Họ mua một căn nhà ở sát biển, có 3 phòng ngủ, một phòng bếp nên ở một phòng, hai phòng còn lại thì cho thuê homestay, đặt tên là Lala Chill. "Khoảng thời gian đầu tiên rất buồn vì khu vực này còn hoang sơ, vắng vẻ quá, lại vào mùa mưa nên càng buồn và nhớ nhà. Lúc đấy chỉ muốn bỏ để về lại thành phố thôi. Nhưng hai vợ chồng tự động viên nhau để vượt qua. Khi đã quá quen với cuộc sống tiện nghi và nhộn nhịp ở Sài Gòn thì ở Kê Gà quả là một thử thách 'hoà nhập' , nhất là với những người trẻ ham vui như tụi mình", Tân tâm sự.

Thói quen của một người dân thành thị dần dần thay đổi. Từ thường xuyên tụ tập đi chơi, uống trà sữa, xem phim, cặp vợ chồng trẻ tập dậy sớm, trồng cây, chăm sóc homestay và quan trọng nhất là tập ăn uống ở nhà, do xung quanh có ít hàng quán. Vợ Tân trước kia tự nghĩ mình sẽ không bao giờ làm được những công việc chân tay, nhưng về với biển, cô đã tự xách hồ, bốc gạch, làm mọi thứ không nề hà gì nữa.

"Kỷ niệm đáng nhớ nhất về sự hoà nhập của hai vợ chồng là thói quen không đem theo tiền mặt, vì đã quen quẹt thẻ và rút tiền ATM. Đến nơi, hai đứa bàng hoàng khi biết rằng trong vòng 30 km không hề có cây ATM hay ngân hàng nào. Lúc đó hai vợ chồng 'không có tiền' theo nghĩa đen, lại không quen ai để mượn, nên đã quyết định chạy trong mưa 30 km để rút tiền. Ban đầu nản, nhưng dần cũng quen với cuộc sống không quẹt thẻ rồi", Tân nói. Dần dần, hai vợ chồng cũng ít cầm vào điện thoại hơn, thay vào đó là dành thời gian để ngồi nói chuyện, lắng nghe nhiều hơn. Thành quả lớn nhất trong cuộc sống mới này với vợ chồng anh có lẽ là cậu con trai nhỏ được chào đời tại đây, mà như anh miêu tả là một "cu con đáng yêu đen giòn".

Homestay bắt đầu có lượng khách ổn định nên hai vợ chồng quyết định xây thêm 7 phòng cho thuê. Do kinh phí không có nhiều, họ phải tự thiết kế, đóng bàn ghế, quầy bar và sắp xếp mọi thứ. "Bí quyết để vượt qua khó khăn là hai vợ chồng phải cãi nhau dữ dội, tranh luận nhiều để ra ý tưởng và cùng thực hiện nó", Tân chia sẻ. Khi nhắc về tài sản lớn nhất hiện tại của mình là căn homestay, Tân tự hào kể rằng đa phần khách đến nghỉ đều rất thích, giới thiệu cho bạn bè liên tục nên anh không cần chạy quảng cáo gì nhiều. Vợ chồng anh đón khách bằng sự nhiệt tình và thân thiện đặc trưng của người dân miền Tây nên khiến khách cảm thấy như đang ở nhà. Homestay nằm ở sát biển và nhìn ra ngọn hải đăng Kê Gà. Du khách đến vừa thuận tiện tắm biển, vừa dễ dàng tham quan hải đăng và xuống bến cá ngay trước nhà vào mỗi sáng sớm để mua hải sản tươi sống được ngư dân đánh bắt ngay tối hôm trước.

  

Những khó khăn trong thời gian đầu mở homestay như hai vợ chồng phải làm hết mọi thứ từ dọn phòng, check-in, check-out, nhầm lẫn phòng của khách... song Tân cho biết mình nhận được nhiều hơn là mất. Anh và gia đình có cơ hội gặp gỡ nhiều khách, mỗi vị khách tới là một câu chuyện khác nhau. "Đến homestay của mình, mọi người được thoải mái kể chuyện, có thể là buồn, vui, bực dọc nhưng mình đều trân trọng khi lắng nghe nó", Tân nói.

Trong tình hình dịch, gia đình trẻ tranh thủ sửa sang, xây thêm phòng mới để sẵn sàng đón khách khi dịch bệnh qua đi. "Dù trộm vía ở vùng an toàn, song tụi mình không mong gì hơn ngoài dịch bệnh qua đi để mọi người được tiếp tục bình yên", Tân bày tỏ.

Trung Nghĩa

Nguồn tin: vnexpress.net


Bình Thuận   Bí quyết   HCM   dịch vụ   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...