11/09/2021 11:25  
26 phút trước khi máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, nữ tiếp viên Betty Ann Ong bí mật thông báo chuyến bay bị không tặc.

"Phi công trong buồng lái không phản hồi. Có người bị đâm ở khoang hạng thương gia. Tôi nghĩ họ có cả hơi cay. Tôi cho rằng máy bay đang bị không tặc", Betty, 45 tuổi, thông báo bằng giọng bình tĩnh, chuyên nghiệp với nhân viên mặt đất từ chiếc điện thoại phía sau máy bay số hiệu 11 của American Airlines lúc 8h20 ngày 11/9/2001.

Betty đã yêu cầu làm thêm một ca trên chuyến bay số hiệu 11 đi từ thành phố Boston, bang Massachusetts, đến thành phố Los Angeles, bang California để có thể cùng chị gái Cathie đi nghỉ ở Hawaii. Nhưng 14 phút sau khi cất cánh, máy bay bị không tặc chuyển hướng về thành phố New York.

Nhờ cuộc gọi bí mật của Betty, thế giới biết những tên khủng bố đã làm bị thương nghiêm trọng các tiếp viên hàng không Karen Martin và Bobbi Arestegui, sát hại hành khách hạng thương gia Daniel Lewin, xông vào buồng lái giết các phi công John Ogonowski và Thomas McGuinness Jr.

Cuộc gọi cũng cho biết nhóm khủng bố đã xịt Mace, hơi cay bị cấm trên các chuyến bay, và hành khách phải túm tụm để thoát khỏi hơi độc khi máy bay hướng về phía New York. Giới chức có thể nhanh chóng xác định được 5 tên không tặc vì Betty và đồng nghiệp Madeline Sweeney đã báo số ghế của những tên này.

"Hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Cầu nguyện cho chúng tôi", Betty nói lời cuối cùng.

Chuyến bay đâm vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới lúc 8h46, 26 phút sau cuộc gọi của nữ tiếp viên Betty.

Nhiều người trong số 25 tiếp viên hàng không thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 đã cho thấy lòng dũng cảm vô song. Nhưng đóng góp của Betty, một người Mỹ gốc Hoa, tiếp tục tỏa sáng hơn sau 20 năm, trong bối cảnh tội ác thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á đang tăng.

"Em tôi đã hy sinh mạng sống cho đất nước vào ngày 11/9, và thật đau lòng khi nghĩ về những gì đang diễn ra ngày nay", Cathie Ong-Herrera, một trong hai chị gái của Betty, nói.

Betty là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Mẹ cô di cư từ Trung Quốc tới Mỹ và sinh cô ở thành phố San Francisco, bang California.

Với dáng người mảnh khảnh và gương mặt xinh xắn, Betty từng muốn làm người mẫu nhưng mẹ cô không đồng ý. Thay vào đó, cô gái khi đó 22 tuổi đến làm việc tại xưởng thịt bò khô của bố mẹ, nơi một sự cố xảy ra cho thấy thần kinh thép của cô.

"Một ngày nọ, cửa hàng bị cướp đột nhập", Cathie kể lại. "Betty ở phía trước và bị dí súng vào đầu. Mẹ nói em tôi không chút hoảng sợ. Tất cả những gì Betty nói là: 'Bố, chúng ta đang bị cướp'".

Bọn cướp lấy tiền và bỏ đi. "Em tôi không chút sợ sệt nào", Cathie nói thêm.

Gần một thập kỷ sau, vào năm 1987, khi đang lái xe trên con đường phía nam San Francisco, Betty thấy một chiếc Honda bị xe bán tải chạy quá tốc độ tông vào nên lập tức chạy đến để giúp đỡ nạn nhân.

" Tôi biết cô! Tôi biết cô!", Jo Ellen Chew, tài xế xe Honda, nhớ lại lời Betty nói với cô khi đó. Hóa ra cả hai đã gặp nhau một tháng trước tại sân chơi bowling.

"Cô ấy can đảm, tốt bụng và giàu lòng trắc ẩn. Hầu hết mọi người chỉ đi ngang qua. Ai sẽ dừng lại và chạy đến giúp tôi? Thật kỳ diệu", Chew kể về Betty.

Từ khi còn nhỏ, Betty đã khao khát được đi du lịch. Đôi khi cô đến chơi ở sân bay quốc tế San Francisco chỉ để xem máy bay cất cánh. Bố mẹ quá bận rộn nên không thể đưa chị em cô đi chơi. Sau khi trở thành tiếp viên hàng không, cô đã có thể đưa các chị đến nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản, Hawaii, Canada và Anh.

"Betty thường bay thẳng tới San Francisco để gặp gia đình. Những người còn lại trong tổ bay có thể lên kế hoạch ăn tối, nhưng Betty sẽ nói 'Chúc mọi người vui vẻ, tôi sẽ về nhà'", Michelle Brawley Ferragamo, một đồng nghiệp của Betty, cho biết.

Vào ngày 11/9/2001, khi có tin máy bay đầu tiên đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, các anh chị em của Betty cố liên lạc với cô một cách tuyệt vọng. Lúc đầu, nhân viên hàng không đảm bảo với họ rằng Betty không có mặt trên chuyến bay số hiệu 11. Nhưng sau đó gia đình nghe tin một tiếp viên dũng cảm truyền tin từ máy bay.

"Tôi tự nói với chính mình, đó chắc chắn là Betty", Cathie nhớ lại.

Tại lễ tưởng nhớ Betty hai tuần sau đó, Chew, người lái xe mà cô đã giúp đỡ, hát bài "Hero" của Whitney Houston. Một phụ nữ tới gặp Cathie, tự giới thiệu mình là Nydia Gonzalez, nhân viên American Airlines.

"Tôi là người đã nói chuyện với em gái chị từ trung tâm mặt đất", cô nói với Cathie. "Chị phải rất tự hào về em mình. Cô ấy đã bình tĩnh cung cấp nhiều thông tin".

Đó cũng là lúc gia đình Ong biết được đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Betty với nhân viên mặt đất của American Airlines. Khi gia đình yêu cầu được nghe, hãng hàng không nói rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) sẽ không cho phép.

"Tôi rất tức giận", Cathie cho hay. "Chúng tôi muốn biết sự thật những gì đã xảy ra với em gái tôi".

Gia đình gọi cho thượng nghị sĩ Ted Kennedy ở bang Massachusetts để nhờ hỗ trợ và nhận được phản hồi tích cực. "Ngày hôm sau, American Airlines gọi cho tôi và hỏi 'Chị muốn nghe đoạn băng của Betty khi nào và ở đâu?'", Cathie nói.

Gia đình thất thần lắng nghe khi đoạn ghi âm tiết lộ nhân viên mặt đất đã không nắm bắt được ngay mức độ nghiêm trọng trong cuộc gọi của Betty và liên tục hỏi những câu giống nhau, lãng phí thời gian quý báu. Dù cuộc gọi khiến họ đau thương, gia đình vẫn vui vì cuộc trao đổi đã được ghi lại.

"Tôi rất biết ơn vì chúng tôi đã có thể biết được những phút cuối trong cuộc đời Betty", chị Gloria Ong nói.

Năm 2004, gia đình Ong thành lập quỹ để vinh danh Betty. Quỹ tài trợ trại hè cho trẻ em và chương trình xã hội cho người cao niên tại Trung tâm Giải trí người Hoa Betty Ann Ong ở San Francisco.

"Chúng tôi tiếp tục duy trì những đóng góp của em gái bằng công việc mình đang làm", Cathie nói. "Chúng tôi muốn làm những việc như Betty".

Huyền Lê (Theo NY Post)

Nguồn tin: vnexpress.net


Airlines   Giải trí   Honda   Nhật Bản   Trung Quốc   du lịch   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...