21/10/2020 15:55  
Nữ ca sĩ cho biết, ngoài việc cho tiền mặt, xây nhà để người dân tái thiết cuộc sống sau lũ sẽ xây thêm những cây cầu. Tuy nhiên dư luận vẫn đặt câu hỏi, dưới góc độ pháp lý, Thuỷ Tiên cần phải làm như thế nào để sử dụng số tiền này đúng quy định?
Sử dụng tiền thế nào không "vướng" luật?
Mới đây, ca sĩ Thủy Tiên thông báo, số tiền quyên góp hỗ trợ người dân miền Trung ngập lụt đã lên đến hơn 100 tỷ đồng sau 1 tuần kêu gọi. Nhiều ý kiến góp ý về việc sử dụng số tiền minh bạch, hiệu quả và có ý kiến lo ngại nếu không cẩn thận là coi như mất hết cả sự nghiệp tạo dựng.
Tiếp thu tất cả các ý kiến, Thủy Tiên cho biết, mỗi người sẽ có một quan điểm riêng để làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng. Cô quan ngại việc tổ chức một bộ máy sẽ cồng kềnh và nếu có người không đàng hoàng sẽ gây ảnh hưởng đến tổ chức và khẳng định, bản thân sẽ làm việc theo cái tâm, tiền sẽ trao tận tay để giúp đỡ người dân dù cực đến mấy chứ không qua một tổ chức nào.
Nữ ca sĩ khẳng khái “đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”. Đồng thời tiết lộ kế hoạch hỗ trợ của cô từ việc giúp đỡ tiền mặt đến xây nhà, mua lại những vật dụng đã bị nước lũ cuốn trôi để người dân tái thiết cuộc sống sau lũ. Ngoài ra, còn làm cầu cống, đường sá cho người dân vùng sâu xa bị lũ cuốn trôi...
Vậy dưới góc độ pháp lý, Thuỷ Tiên cần phải làm như thế nào để sử dụng số tiền này đúng quy định?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, bản thân ông rất bất ngờ vì chỉ trong một thời gian ngắn, ca sĩ Thủy Tiên đã huy động mọi người ủng hộ, đóng góp được hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này đã phá vỡ kỷ lục của tất cả các hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân trước đó. Thành công của ca sỹ Thủy Tiên và nhóm thiện nguyện đã khơi gợi lòng yêu nước, tình yêu thương giữa những con người khi khó khăn, hoạn nạn, thúc đẩy các ca sĩ, nghệ sĩ, các bạn trẻ kêu gọi hoạt động thiện nguyện.
Theo luật sư Cường, dưới góc độ pháp lý, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Trong hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức đó sẽ là bên trung gian để kêu gọi, thúc đẩy hoạt động từ thiện diễn ra thuận lợi hơn, quy mô hơn, hiệu quả hơn góp phần đảm bảo nhu cầu về vật chất, tinh thần cho những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những người yếu thế trong xã hội.
Trong hoạt động từ thiện, xuất phát từ nhu cầu của những người yếu thế, những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn do thiên tai, bệnh dịch, hoặc các hoàn cảnh éo le phải khó khăn khác. Khi đó, có rất nhiều người có lòng hảo tâm muốn đóng góp tiền của, công sức, để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đây là vấn đề đạo đức xã hội pháp luật cũng ghi nhận và đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra đúng mục đích, đúng ý nghĩa.
"Tuy nhiên, nếu không có bên thứ ba, bên trung gian đưa ra các thông tin về nhu cầu từ thiện, nhu cầu hỗ trợ và không có người đứng ra tổ chức tiếp nhận tài sản, đứng ra quyên góp tài sản và phân phối tài sản thì hoạt động tự nguyện tự phát không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, trong rất nhiều trường hợp bên trung gian là bên kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiếp nhận tài sản từ thiện để mang chuyển cho người có nhu cầu là rất quan trọng, góp phần kết nối, giúp hoạt động từ thiện diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn" - luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường cho rằng, nếu cá nhân hoạt động từ thiện thường xuyên, chuyên nghiệp thì nên thành lập các quỹ từ thiện và lúc này phải hoạt động, thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng… không quy định cho những cá nhân, nhóm người được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính còn quy định báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).
Là quan hệ dân sự hay quỹ từ thiện?
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, hoạt động tự nguyện tự phát do cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện không thường xuyên mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn là quan hệ dân sự, không phải tuân thủ các quy định đối với các quỹ từ thiện. Còn đối với hoạt động kêu gọi từ thiện tự phát, thành lập một tài khoản để tiếp nhận tiền từ thiện như ca sĩ Thủy Tiên có thể coi là điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức.
Theo quy định của pháp luật, người tặng cho tài sản là những người đã chuyển tiền vào tài khoản của nữ ca sĩ Thủy Tiên, người được tặng cho tài sản là đồng bào lũ lụt miền Trung. Ca sĩ Thủy Tiên là người trung gian, đứng ra tiếp nhận và chuyển số tiền đó cho đồng bào đang gặp khó khăn. Việc sử dụng số tiền đó phải đúng như cam kết mà ca sĩ Thủy Tiên đã đưa ra trước đó và phải công khai lại kết quả thực hiện hoạt động từ thiện cho những người đã nộp tiền chuyển tiền vào tài khoản.
Số tiền đó có thể được trích ra một phần cho chi phí vận chuyển, đi lại, lưu trú của đoàn từ thiện, trừ trường hợp nữ ca sĩ cam kết mọi chi phí trong quá trình hoạt động từ thiện do nữ ca sỹ chi ra, toàn bộ số tiền nhận được sẽ đem chia cho đồng bào lũ lụt.
Việc công khai, minh bạch số tiền nhận được và công khai minh bạch hoạt động từ thiện là cần thiết để đảm bảo số tiền được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo uy tín của nữ ca sĩ cũng như để những nhà hảo tâm có niềm tin để tiếp tục thực hiện hoạt động thiện nguyện cho những lần sau. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người dân miền Trung, những người được hưởng những tài sản đó từ những nhà hảo tâm.
Trong trường hợp nữ ca sĩ này hoặc những người trong đoàn từ thiện sử dụng tiền sai mục đích, sai nguyên tắc hoặc có những hành vi khác làm thất thoát số tiền này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như trước những người đã nộp tiền vào tài khoản để từ thiện.
Luật sư Cường cho biết, bản thân luật sư cũng như những người dân khác luôn cầu mong cho Thủy Tiên và đoàn từ thiện khỏe mạnh gặp may mắn để thực hiện sứ mệnh thiện chí của mình, giúp đỡ bà con vùng lũ lụt. Bởi làm được việc này, cần phải một ý chí nghị lực, tấm lòng cao cả phải có sức khỏe và lòng dũng cảm. Vì trước thiên nhiên dữ dội như vậy thì mọi tai nạn, rủi ro đều có thể xảy ra.
Đồng thời, vị luật sư cho rằng, Thủy Tiên cần bảo quản tốt tiền, tài sản để những thứ đó đến được tay đồng bào một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và hiệu quả, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, những vùng bị ngập sâu và chia cắt.
Khi mua hàng từ thiện thì Thuỷ Tiên cần tính toán đến nhu cầu của đồng bào vùng lũ để tránh trường hợp mua phải những thứ không đảm bảo chất lượng cũng như không đáp ứng được nhu cầu cấp cấp bách của đồng bào.
Đặc biệt, những khu vực bị cô lập hoàn toàn thì nhu yếu phẩm như đồ ăn, nước uống, dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ cứu hộ là rất cần thiết để đảm bảo duy trì sự sống và đảm bảo an toàn cho người dân.
Đoàn từ thiện cũng có thể liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giúp đỡ về thông tin cũng như về nhân lực, vật lực để hoạt động thiện nguyện được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả.
Với số tiền lớn hơn 100 tỷ đồng, Thuỷ Tiên và đoàn thiện nguyện cần thận trọng để tránh thất lạc, mất mát cũng như tránh những chuyện không may có thể xảy ra. Đoàn từ thiện có thể liên hệ với cơ quan công an, các lực lượng bảo vệ pháp luật ở địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ, đảm bảo an ninh, an toàn.
Ngoài ra, mọi hoạt động từ thiện cần phải công khai, phải có sổ sách ghi chép và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát cũng như đảm bảo minh bạch về các thông tin, đảm bảo hoạt động từ thiện được chọn vẹn ứng được nhu cầu của bà con vùng lũ cũng như mong muốn của người từ thiện, để đảm bảo hoạt động từ thiện mang nhiều ý nghĩa.
Luật sư Cường cũng cho rằng, không nên chuyển bớt số tiền đó cho các tổ chức khác. Bởi những người chuyển khoản số tiền đấy cho ca sĩ Thủy Tiên là những người tin tưởng nữa ca sĩ này. Họ chuyển tiền cho Thủy Tiên với điều kiện là nữ ca sỹ này phải thực hiện hoạt động thiện nguyện theo đúng nội dung thông tin mà ca sĩ này đã đưa ra trước đó.
Việc chuyển giao số tiền đấy cho tổ chức, cá nhân khác có thể dẫn đến mất mát, thất lạc hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng với mục đích cam kết ban đầu. Bởi vậy, nếu việc quản lý số tiền đó và hoạt động từ thiện có khó khăn, nữ ca sĩ này chỉ có thể liên hệ với các cơ quan chức năng như Hội chữ thập đỏ, mặt trận tổ quốc hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ chứ không thể chuyển giao nghĩa vụ đó cho bên thứ ba nếu như không được những người đã góp tiền vào đồng ý.

Nguồn: VTV 1

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Hà Nội   Nghị định   Thành công   Tài chính   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...