23/05/2021 16:25  
Khi bị mọi người hỏi đến chuyện vợ con, Wang Xiao, 33 tuổi, rất tức giận, hét vào mặt họ "không phải việc của anh". Nhưng trong lòng anh thật sự lo lắng.

Anh công nhân may mặc ở Giang Tô đã đi tìm một nửa của mình suốt gần 9 năm qua mà không thành. "Tôi rất tự ti vì không lấy được vợ. Có lẽ tôi sẽ độc thân cả đời", chàng trai quê Hà Nam, thở dài.

Các nhà nhân khẩu học và chuyên gia hôn nhân thừa nhận tình trạng đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi kết hôn đang rất khó tìm bạn đời. Xu Tianli, người đứng đầu hiệp hội Quản lý Tổ chức Giới thiệu Hôn nhân Thượng Hải cho biết, "hầu hết những người đàn ông này sống ở nông thôn".

Cuộc khảo sát trên 267 ngôi làng ở tất cả 31 tỉnh ở Trung Quốc, do ĐH Sư phạm trung ương Trung Quốc thực hiện vào năm 2017 cho thấy, nam và nữ độc thân lần lượt chiếm 5,92% và 3,62%. Theo ông Liu Zhijun, phó giám đốc Trung tâm Thí nghiệm khoa học xã hội thuộc ĐH Chiết Giang, chọn lọc giới tính trong những thập kỷ qua khiến phụ nữ ở ông thôn ít hơn nam và trở thành một phần nguyên nhân của tình trạng nam giới khó kiếm vợ hiện nay.

Một số ngôi làng ở các tỉnh kém phát triển, bao gồm Sơn Tây, Thiểm Tây và Quý Châu được mệnh danh là "làng ế vợ", vì đàn ông độc thân rất nhiều. Các chuyên gia phân tích, ngoài chọn lọc giới tính, phụ nữ trẻ rời quê lên phố cũng khiến phụ nữ nông thôn ít đi. Những phụ nữ này không muốn kết hôn sớm, không muốn lấy chồng sinh con ở quê và khát khao một cuộc sống đầy đủ hơn.

"Đàn ông nông thôn, gia đình nghèo và học vấn thấp đương nhiên không hấp dẫn phụ nữ", ông Liu nhận định. Những phụ nữ còn sót lại ở quê đương nhiên trở thành "tài nguyên quý".

Cạnh tranh kiếm vợ của đàn ông lớn khiến "giá" cô dâu nông thôn - được quy ra sính lễ tăng theo. "Giá" một cô dâu ở Hạ Môn (Phúc Kiến) từ 150 nghìn tệ (khoảng 540 triệu đồng) đến 200 nghìn tệ (715 triệu đồng), năm 2017 và liên tục tăng 10- 20 nghìn tệ mỗi năm. Ngược lại, thu nhập ròng bình quân đầu người ở vùng này giảm hơn 8.000 tệ so với năm 2016.

"Giá" cô dâu ở ngôi làng ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến khoảng 180.000 tệ (645 triệu đồng). Một người đàn ông tên Hu nói ngoài sính lễ, anh phải tặng "trang sức bằng vàng" (thứ mà Hu không thể mua được). Nếu cưới, anh phải vay người thân hoặc ngân hàng.

"Giá" cô dâu ở làng Wang ít nhất là 100.000 tệ. "Khoản tiền này không đáng ngại vì tôi đã tiết kiệm được 200 nghìn tệ. Vấn đề với tôi là không tìm được một cô gái độc thân ở quê hay các làng lân cận", anh công nhân khẳng định. Hai năm trước, một người mai mối đã giới thiệu Wang với một người phụ nữ đã ly hôn và có một đứa con. "Tôi do dự một lúc và chấp nhận, nhưng người phụ nữ từ chối tôi. Tôi đã đau khổ suốt thời gian dài", anh nói. Theo Wang, nếu ngoại hình của một người trung bình và nền tảng giáo dục hoặc điều kiện gia đình không tốt, họ sẽ không lấy được vợ.

Một số học giả lo ngại đàn ông nông thôn ế vợ nhiều có thể làm tăng tội phạm tình dục, đặc biệt tội phạm nhắm vào trẻ em và phụ nữ. "Để đáp ứng ham muốn thể xác hoặc tình cảm, một số đàn ông độc thân có thể đi bán dâm hoặc là kẻ thứ ba trong các vụ ngoại tình", ông Liu nói.

Năm 2019, ở huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam đã xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận. Một người đàn ông độc thân 50 tuổi đã bắt cóc nữ sinh 16 tuổi và giữ cô làm nô lệ tình dục trong 24 ngày. Hắn nhốt cô bé vào một cái hố tự đào trong nhà mình. Theo tòa án, độc thân trong một thời gian dài đã khiến người đàn ông trở nên méo mó về tinh thần và bất ổn.

Chính quyền các tỉnh đang cố gắng điều tiết "giá" cô dâu. Ở Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, "giá" cô dâu được giới hạn không quá 50.000 tệ. Ở Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, chính quyền địa phương yêu cầu cô dâu phải trả lại một phần sính lễ cho chú rể.

Tuy nhiên, Hu không lạc quan chính sách này giúp mình thoát ế, vì nó thiếu thực tế. Ở các làng quê, tình trạng nhiều chàng tranh giành một cô vẫn khá phổ biến. "Sính lễ vẫn là yếu tố quan trọng để phụ nữ quyết lấy ai", anh Hu nói.

Tăng thu nhập và cải thiện mức sống của đàn ông ở các vùng nông thôn đang là giải pháp giúp họ thoát ế, chuyên gia Liu Wenrong, Cộng tác viên Nghiên cứu tại Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (SASS), nêu quan điểm. Vài năm trở lại đây, một số đàn ông ở các "làng ế vợ" đã kết hôn vì có thêm thu nhập, nhờ các dự án xóa đói giảm nghèo.

Tại một ngôi làng ở Thiểm Tây trước đây, một nửa đàn ông trên 35 tuổi không thể tìm vợ. Nhưng giờ, nơi đây có 20 đám cưới mỗi năm. Chính quyền địa phương đã giúp dân xây nhà và dạy họ nuôi ong, trồng thảo mộc hoặc tạo điều kiện cho họ kinh doanh khách sạn kiếm tiền.

Một số khu vực cố đảo ngược tình trạng mất cân bằng giới tính bằng cách thu hút phụ nữ trẻ đến làng. Tại một địa phương ở khu nội trị Nội Mông, chính quyền đã tích cực phát triển ngành thêu truyền thống của Mông Cổ. Cách này thu hút nữ sinh về quê làm việc, tạo cơ hội cho trai làng tìm vợ.

"Các cô gái trở về vì muốn gắn bó với quê hương. Họ tìm đàn ông địa phương để yêu và cưới", Yang Fulin, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ giảm nghèo cho sinh viên, nói.

Từ năm 2019, huyện Bình Thuận, Trường Trị, Sơn Tây đã thành lập một trung tâm dịch vụ thương mại điện tử. Họ tuyển dụng nhiều phụ nữ về làm nhân viên bán trực tuyến nông sản địa phương. Niujia, người đứng đầu một ngôi làng ở Bình Thuận, cho hay, nhiều phụ nữ đến làng tìm thấy cơ hội kinh doanh và quý sự mộc mạc của thôn quê nên lấy chồng ở đây.

Dữ liệu chính thức gần đây cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính của Trung Quốc giảm nhẹ, từ 117,94 năm 2010 xuống 110,14 năm 2019.

Liu Zhijun, Phó Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Khoa học Xã hội thuộc ĐH Chiết Giang, dự đoán đàn ông ế vợ sẽ giảm trong những năm tới, khi có sự điều chỉnh của chính sách sinh và sự cân bằng hơn nữa của tỷ số giới tính.

"Nhưng hôn nhân và lựa chọn bạn đời là một quá trình cạnh tranh xã hội. Một số người đàn ông có thể bị đào thải trong quá trình này là bình thường", vị này lưu ý.

Nhật Minh (Theo Globaltimes)

Nguồn tin: vnexpress.net


Bình Thuận   Hiệp hội   Hôn nhân   Xã hội   chuyên gia   chính sách   dịch vụ   kết hôn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...