14/12/2021 18:40  
Điểm đen” tai nạn giao thông từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi tài xế trên những cung đường, nhất là những tuyến đường đèo, núi. Vậy cách nào để xóa những “điểm đen” này một cách hiệu quả và triệt để?
Để xóa được những “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT), ngoài việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cần có một chiến lược toàn diện để nâng cấp ý thức của chính những người tham gia giao thông. Đó mới là cách làm bền vững và hiệu quả nhất.
Những cung đường nhiều hiểm họa
Nói đếm “điểm đen” TNGT trên các đường đèo, núi không thể không nhắc đến đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh. Đây là con đèo dài khoảng 27km, vắt qua địa phận huyện Đăk Glei, Kon Tum. Với độ dốc lên tới 10% cùng nhiều khúc cua gấp, địa hình hiểm trở, từ lâu con dèo này đã trở thành nỗi ám ảnh của đội ngũ lái xe, nhất là lái xe đường dài mỗi khi đi qua.
Đúng như tên gọi, đèo Lò Xo quanh co, khúc khuỷu với một bên là núi cao. Một bên là vực thẳm cùng với sự “trợ giúp” của sương mù che khuất khiến cho cung đường này chẳng khác nào một chiếc bẫy vô hình, sẵn sàng “nuốt chửng” bất cứ phương tiện nào nếu như tài xế chỉ cần sơ xẩy, mất tập trung.
Vì thế, trong những năm qua, rất nhiều vụ TNGT đã xảy ra ở đèo Lò Xò, trong đó không ít vụ tai nạn thảm khốc, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2005 - 6/2018 trên đèo Lò Xo đã xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người và gây hư hỏng nhiều phương tiện.
Trong đó, có nhiều vụ tai nạn vô cùng thảm khốc như vụ tai nạn xảy ra vào tháng 4/2005, tại Km442+346 khi một chiếc xe khách chở đoàn cựu chiến binh gặp nạn, lao xuống vực sâu khiến 31 người thiệt mạng; hay như vụ tai nạn xảy ra vào tháng 6/2018 khi cũng một chiếc xe khách chở 40 người chạy tuyến Hải Dương - Bình Phước tông sập hộ lan, lao xuống vực sâu khiến 3 người chết và 18 người bị thương… Đó là lý do giải thích vì sao trong suốt nhiều năm qua, đèo Lò Xo luôn là nỗi ám ảnh thường trực với đội ngũ lái xe đường dài.
Một “điểm đen” TNGT khác thuộc khu vực Tây Nguyên nằm trên QL20, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng. Tuyến đường này có nhiều đèo dốc nguy hiểm như đèo Prenn, đèo Phú Hiệp, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối...  Địa hình hiểm trở, đường nhiều khúc cua gấp, khuất tầm nhìn, sương mù thường xuyên bao phủ... là những nguyên nhân khiến tuyến đường trên xảy ra không ít vụ TNGT.
Theo thống kê, chỉ tính riêng QL20 qua tỉnh Lâm Đồng đã có tới 20 “điểm đen” TNGT. Trong đó, nhiều nhất là đèo Bảo Lộc với 14 “điểm đen”, điển hình nhất là “điểm đen” tại Km101+700  và tại Km104+300. Những nơi này đã chứng kiến rất nhiều vụ TNGT đã xảy ra. Trong đó có vụ TNGT kinh hoàng xảy ra vào chiều 24/2 khiến 4 người trong một gia đình thương vong và vụ TNGT liên hoàn giữa 6 xe ô tô xảy ra vào tối 26/2 khiến ai cũng kinh hoàng, sợ hãi khi đi qua đèo này. 
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để xóa bỏ các “điểm đen” TNGT, một trong những giải pháp được nhắc tới nhiều chính là cải thiện về hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo ATGT trên các cung đường đèo dốc, nhất là xóa bỏ những hiểm họa tiềm tàng về tai nạn tại những “điểm đen”. Đây là giải pháp mang tới hiệu quả tức thì.
Đơn cử, trên đèo Lò Xo, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thực hiện nhiều giải pháp để xử lý những “điểm đen” tai nạn trên cung đường đèo này như lắp đặt 13 đoạn hộ lan bằng lốp cao su cố định trên những đoạn đường cong có độ dốc lớn đoạn qua địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; sửa chữa, bổ sung 19 hốc cứu nạn, 2 đường cứu nạn; mở rộng 87 vị trí đường cong, bạt mái ta-luy, hạ thêm tầm nhìn tại 58 đường cong, xây dựng làn đường hãm xe tại 12 vị trí.
Nhờ đó, đèo Lò Xo từ một cung đường ám ảnh về tai nạn giao thông, đến nay đã đảm bảo an toàn, số vụ tai nạn tại đèo Lò Xo đã giảm hẳn, năm 2019 và năm 2020 khu vực này đã không xảy ra vụ TNGT làm chết người.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cải thiện hạ tầng giao thông chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế và mang tới hiệu quả ở mức độ hỗ trợ chứ không thể là “chiếc đũa thần” triệt tiêu được tai nạn xảy ra. GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT nhận định, hạn chế về hạ tầng giao thông chỉ là 1 trong 4 nguyên nhân gây ra tai nạn cùng với 3 yếu tố khác là con người, phương tiện, môi trường dân cư.
Do đó, việc cải thiện hạ tầng để xóa các “điểm đen” TNGT dù là cần thiết nhưng chưa đủ. Phân tích số liệu từ các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua cho thấy, phần nhiều nguyên nhân gây tai nạn bắt nguồn từ chính người điều khiển phương tiện, nhất là đối với các vụ tai nạn liên quan đến xe khách. Từ phân tích trên, GS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định, việc xóa “điểm đen” chỉ là hỗ trợ, chứ không phải cứ xóa “điểm đen” là sẽ hết tai nạn mà quan trọng hơn là ý thức của người tham gia giao thông.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, dù việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông tại các “điểm đen” TNGT mang lại hiệu quả tức thì để giảm các vụ tai nạn, nhưng nhược điểm của giải pháp này là tốn kém. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn, nguồn kinh phí dành cho công tác đảm bảo ATGT còn hạn hẹp, giải pháp này chỉ mang tính chất tình thế chứ không phải giải pháp lâu dài.
Xóa bỏ các “điểm đen” TNGT chỉ mang tính chất tình thế bởi khi “điểm đen” này được xóa bỏ thì những “điểm đen” khác sẽ xuất hiện. Chỉ có nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng được “văn hóa giao thông” trong cộng đồng người dân mới là giải pháp bền vững và hiệu quả để giảm TNGT” - chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bình Phước   Hiệp hội   Tổng cục   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...