06/06/2021 7:10  
Khuôn mặt cậu bé buồn rượi, có lúc cậu bé tưởng như sống đi chết lại, quằn quại đau đớn... khiến người mẹ khốn khổ như đứt từng khúc ruột. Chị ước sao có thể gánh hết đau đớn cho con.

Cơn mưa bất chợt đổ xuống, trong căn nhà cấp 4, chị Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1988, trú xóm 21, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, Nghệ An), ngồi bó gối đưa đôi mắt đượm buồn nhìn ra khoảnh vườn nhỏ, chị bảo: "Ngày mai là lịch con trai đi viện rồi, không biết chồng có xoay xở hay ứng được tiền công không?".

Trần Đức Anh, cậu bé năm nay 8 tuổi vừa mới trầy trật hoàn thành chương trình lớp 1 bởi với vô số lần nghỉ học do sốt cao, gầy, sút cân nhanh. Cứ nghĩ trẻ con ốm vặt, chị Oanh cũng chỉ cho con uống hạ sốt, cố gắng tẩm bổ cho con, nào ngờ bệnh tình cậu bé ngày một nặng hơn.

Tháng 6/2020, kết thúc năm học lớp 1 cũng là khi cơ thể Đức Anh xuất hiện những dấu hiệu bất thường thấy rõ. Đưa con vào bệnh viện kiểm tra, vợ chồng chị Oanh chết lặng khi bác sỹ chẩn đoán bé bị U lympho tế bào lớn bất thụ sản (một dạng ung thư hạch).

Từ đó, Đức Anh cũng nghỉ học để đi chữa bệnh. Đó là những tháng ngày vật vã giữa ranh giới sự sống và cái chết của cậu bé hơn 6 tuổi này. Cùng là chặng đường đầy nước mắt của vợ chồng chị Oanh.

Anh Trần Tuấn Ngọc làm nghề thợ sơn, chị Oanh thì đi vặt lông gà thuê trong xóm, thu nhập chỉ đủ chi tiêu tằn tiện cho 4 miệng ăn. Đức Anh nhập Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, chị Oanh, anh Ngọc phải bỏ công việc theo ra Hà Nội. Chị ở trong viện chăm con, anh ở ngoài làm chân chạy cơm nước cho hai mẹ con.

"Có những thời điểm Đức Anh tưởng như sống đi chết lại vì không đáp ứng được thuốc, bất tỉnh, máu mồm, máu mũi trào ra. Nhìn con đau đớn, em như đứt từng khúc ruột. Con em còn nhỏ, đã biết gì đâu mà ông trời bắt tội nó. Giá như mọi bệnh tật, đau đớn của con trút sang em hết em cũng cam lòng", chị Oanh thổn thức, nước mắt chảy thành dòng trên đôi gò má của người mẹ khắc khổ.

May mắn, dần dần Đức Anh đáp ứng thuốc tốt hơn, tuy nhiên do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn sang phổi và xương. Bác sĩ chuyển phác đồ điều trị khác, tiêm hóa chất khô, kéo dài trong một năm rưỡi.

Với phác đồ này, cộng với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Đức Anh được điều trị ngoại trú. Cứ đều đặn mỗi tuần 1 lần, chị Oanh lại bắt xe ra Hà Nội tiêm thuốc cho con.

Cứ tiêm xong hóa chất, Đức Anh sẽ sốt cao li bì vài ba ngày, không ăn uống được gì. Khi dứt cơn sốt lại tiếp tục hành trình điều trị. Suốt 5 tháng qua, cuộc sống của hai mẹ con chị Oanh chỉ luẩn quẩn với việc đi viện tiêm hóa chất rồi trở về nhà chờ cắt cơn sốt và rồi lại lên xe đi bệnh viện.

"Giờ con bệnh tật thế này, em không dám để cháu ở nhà một mình nên chỉ mỗi mình anh Ngọc đi làm. Mỗi lọ thuốc của cháu là 1,3 triệu đồng. Mỗi tháng tiêm hết 3 lọ, chưa kể tiền đi lại, ăn uống bồi bổ sức khỏe cho con.

Số nợ vay chữa bệnh cho cháu đến nay đã lên tới hơn 350 triệu đồng, tiền công anh Ngọc đi làm gom góp hàng tuần đưa con đi viện cũng không đủ, cứ đến ngày nhập viện lại phải chạy đi vay thêm...", Oanh không dám kể tiếp, đôi mắt bất lực đã đỏ hoe từ lúc nào.

Đức Anh từ nãy đến giờ ngồi cạnh mẹ, đôi tay mệt mỏi chống xuống nền nhà để cố giữ mình ngồi vững hơn. "Mẹ không phải mua thịt cho con ăn đâu mẹ ạ. Con ăn mì tôm cũng được", cậu bé thủ thỉ nói với mẹ.

"Tiêm nốt lần này nữa là con có thể về đi học rồi mẹ nhỉ. Giờ các bạn sắp lên lớp 3 cả rồi mà con còn chưa đi học lớp 2".

Ôm con vào lòng, nước mắt chị Oanh lã chã, ướt đẫm gò má: "Ừ, nốt lần này nữa thôi là hết bệnh con ạ!".

Chị Oanh bảo con vào trong nhà chơi, rồi chị lấy điện thoại ra gọi chồng hỏi xem có ứng được tiền công không. Khuôn mặt lo âu của chị giãn ra. Anh Ngọc bảo chủ thầu cho ứng 3 triệu đồng. 

Tôi nhẩm tính, riêng tiền xe vợ chồng đưa con từ Vinh ra Hà Nội rồi trở về cũng đã mất gần nửa số tiền. Số tiền còn lại có đủ một mũi tiêm cho cậu bé?

Ông Hà Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho biết: "Hoàn cảnh gia đình anh Ngọc, chị Oanh đã được chính quyền xã đưa vào diện hỗ trợ khó khăn đột xuất. Ban cán sự xóm 21 cũng đã tổ chức quyên góp, vận động để cháu Trần Đức Anh có thêm kinh phí chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình điều trị của cháu còn lâu dài, tốn kém, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng xã hội".

Hoàng Lam 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Cơn mưa   Hà Nội   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...