13/11/2021 9:25  
Khi sửa nhà đầu năm nay, Nguyễn Mai Hương ở quận Bắc Từ Liêm từng nghĩ vợ chồng cô sẽ đường ai nấy đi, dù mới kết hôn vài tháng.

"Đến bây giờ nhắc lại chuyện sửa nhà, chúng tôi vẫn còn cãi nhau", Hương, nhân viên văn phòng 25 tuổi, nói.

Đầu năm 2021, vợ chồng Hương mua căn hộ 75 m2 ở quận Bắc Từ Liêm. Tài chính không dư dả lắm nên họ không cải tạo phần thô và tự thiết kế nội thất.

Vấn đề ở chỗ, Hương và chồng có gu nội thất khác nhau. Do cả nhà đã sơn trắng, Hương muốn một bức tường trong phòng ngủ để màu tím cho ấm áp, lãng mạn. Thế nhưng, chồng Hương - hơn cô 10 tuổi - chê vợ "sến và vẽ chuyện", từ chối chi tiền.

Căng thẳng giữa hai vợ chồng leo thang dần trong quá trình làm nhà. Tự nhận là người mơ mộng, Hương tính ốp sàn gỗ nhựa và làm giàn treo cây gỗ ngoài ban công, song chồng cô quyết: "Ốp gạch, làm giàn inox cho bền".

Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi chồng Hương tự động thay đổi màu tủ bếp thành màu tím, dù trước đó hai vợ chồng đã thống nhất chọn màu trắng. Lý do anh đưa ra là bên xưởng gỗ tạm hết hàng màu trắng mà anh không thích chờ đợi. Anh cũng nghĩ tủ bếp màu tím là một cách đền bù cho bạn đời sau khi không cho cô sơn phòng ngủ theo ý.

Nhìn tủ bếp, Hương "tức không nói nên lời", cảm thấy chồng chỉ làm qua loa để nhanh vào ở mà không tôn trọng mình. Cô giận chồng một tuần, thậm chí đuổi anh ra phòng khách ngủ. Đến khi mẹ chồng can, khuyên cô dùng tạm rồi sau này dư dả hơn thì sửa hoặc đổi, Hương mới chịu làm hòa với chồng.

"Nói thế, chứ nhà đâu như cái áo mà bảo thay là thay được", Hương tới giờ vẫn ấm ức.

"Làm nhà rất dễ gây ra cãi vã giữa vợ chồng", KTS Võ Luân, sáng lập văn phòng thiết kế kiến trúc NiO Design (Hà Nội) nhận định. Ông Luân từng gặp trường hợp vợ chồng không chịu theo ý của nhau đến mức dừng thiết kế giữa chừng.

Không chỉ vợ chồng trẻ, vợ chồng lớn tuổi cũng mâu thuẫn khi làm nhà. Một ví dụ là gia đình bà Hoàng Thảo. Chuyển từ nhà đất lên căn hộ chung cư ở quận Cầu Giấy đầu năm ngoái, cựu chuyên gia tài chính 60 tuổi muốn phòng khách theo kiểu Tây với sofa và bàn kính nhưng chồng bà đòi đem bộ tràng kỷ cũ theo. Sau năm ngày "thái độ" từ sáng đến tối, bà Thảo có phòng khách như ý song cái giá phải trả là những lời phàn nàn của bạn đời.

"Cứ khi nào khó chịu tôi, ông ấy lại lôi bộ sofa ra nói, bảo tôi coi bộ sofa quan trọng hơn chồng", người phụ nữ này giãi bày.

Theo nhà thiết kế Nguyễn Quân, người sáng lập văn phòng thiết kế 414 Studio ở Nha Trang, các thành viên gia đình hay nảy sinh mâu thuẫn khi làm nhà bởi khác biệt về thẩm mỹ, tư duy cũng như thế hệ. Bên cạnh mối quan hệ vợ chồng, tình cảm giữa bố mẹ với con cái cũng dễ sứt mẻ.

Mới tháng trước, ông Quân tiếp một người mẹ ngoài 50 tuổi muốn xây nhà cho con trai vừa tốt nghiệp đại học ra ở riêng. Đề bài của người mẹ là một không gian kiểu tân cổ điển nhưng người con lại thích phong cách hiện đại. "Không thống nhất được quan điểm, người mẹ ra tối hậu thư nếu không làm ý bà thì không chi tiền nữa. Người con đành chịu", ông Quân kể. Nhà thiết kế tiết lộ thêm đã có trường hợp con cái kiên quyết làm theo ý mình khiến phụ huynh giận đến nỗi ra lệnh ngừng thi công.

Để hạn chế tình trạng tranh cãi khi làm nhà, ông Quân khuyên mỗi gia đình trao đổi kỹ với nhau và biết mình thực sự muốn gì. "Với gia đình đông người, bạn hãy cử ra một đại diện tập hợp nhu cầu của từng thành viên", ông Quân nói. Các cá nhân nên tôn trọng và lắng nghe nhau, không áp đặt lối sống của mình lên người khác.

Một phương án khi các thành viên gia đình không thể đồng thuận là thiết kế từng khu vực chức năng dựa trên sở thích, nhu cầu của người sử dụng khu vực ấy nhiều nhất. "Ví dụ, chồng quyết hết mọi thứ, trừ khu bếp cho vợ tự chốt", kiến trúc sư Võ Luân gợi ý.

Gia chủ cũng có thể cân nhắc tìm đến kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất để được tư vấn giải pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, ông Luân lưu ý ngay từ bước gặp và triển khai hợp đồng thiết kế, hai bên cần thống nhất một người đại diện làm việc và có quyền quyết định cuối cùng.

"Làm nhà cũng có cái vui nhưng vợ chồng không đồng thuận thì mệt mỏi lắm", Nguyễn Mai Hương đúc kết.

Nếu tương lai cải tạo nhà cũ hay làm nhà mới, cô dự định thuê một đơn vị thiết kế - thi công chuyên nghiệp. "Có bản vẽ của kiến trúc sư, chồng tôi chắc sẽ không tự quyết theo ý anh nữa", Hương nói. Cô cũng cho rằng vợ chồng cần phân công rõ ràng từ đầu và giám sát công trình liên tục.

Còn bà Hoàng Thảo "quá mệt mỏi vì chuyện làm nhà, cũng chẳng sống được bao lâu nữa" nên không nghĩ đến việc sửa hay đổi chỗ ở. Bà chọn nhẫn nhịn, bỏ ngoài tai mọi lời nói của chồng.

"Hoặc khi nào con trai xây nhà, chúng tôi sẽ chuyển về với nó để ông ấy không ca thán tôi nữa", bà nói.

Minh Trang

Nguồn tin: vnexpress.net


Hà Nội   Tài chính   chuyên gia   chuyên gia tài chính   hành vi   kết hôn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...