29/04/2021 22:57  

Vào sáng cùng ngày, giá đồng kỳ hạn ở Sàn giao dịch kim loại London (LME) cũng chạm mốc 10.001,5 đô la/tấn, sát mức cao nhất trong lịch sử 10.190 đô la/tấn được thiết lập vào tháng 2-2011.

Giá đồng đã tăng 25% trong năm nay và hơn gấp đôi kể từ điểm giá thấp nhất hồi năm ngoái nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đang thành công trong việc khống chế số ca nhiễm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đang kích thích tăng trưởng bằng cách tập trung chi tiêu cho hạ tầng, lĩnh vực tiêu thụ kim loại nhiều nhất, đặc biệt là đồng.

“Dữ liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục báo hiệu các điều kiện nhu cầu mạnh mẽ đối với đồng”, Vivek Dhar, nhà phân tích của Ngân hàng Thịnh vượng chung Úc (CBA) nhận định khi trích dẫn các chỉ số sản xuất và sản lượng công nghiệp đang tăng tốc trên toàn cầu.

Hôm 28-4, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), quyết định giữ nguyên mức lãi suất qua đêm ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%.

Động thái này báo hiệu chương trình nới lỏng tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới, hứa hẹn giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn và cải thiện nhu cầu đối với đồng, kim loại được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và đóng vai trò thiết yếu đối với nhiều khu vực của nền kinh tế từ cơ sở hạ tầng cho đến hàng điện tử tiêu dùng.

Tổng thống Joe Biden cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cắt giảm khí thải nhà kính của Mỹ 50% so với mức của năm 2005. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, gồm điện mặt trời và điện gió. Các hệ thống năng lượng tái tạo sử dụng lượng đồng cao gấp 5 lần so với các hệ thống năng lượng truyền thống.

Ngay trước khi Covid-19 ập đến, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động lộ trình cho cuộc cách mạng xanh đòi hỏi sử dụng một khối lượng đồng khổng lồ trong những năm tới, đặc biệt là ở lĩnh vực xe điện và trạm sạc xe điện.

Triển vọng tăng trưởng nhu cầu đối với kim loại màu này có thể làm căng thẳng thêm các vấn đề liên quan đến nguồn cung. Tình trạng gián đoạn trong hoạt động khai thác quặng đồng ở các mỏ tại Chile, nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới, vẫn tiếp diễn, trong khi đó, các kho đồng dự trữ ở Sàn giao dịch kim loại London (LME) và Comex đang giảm. Sắp tới, giá đồng sẽ kiểm tra mức đỉnh cao nhất 4,64 đô la/pound được thiết lập vào năm 2011.

Các tổ chức nghiên cứu kinh tế và các ngân hàng đưa ra dự báo trái ngược nhau về triển vọng sắp tới của đồng. Ở chiều hướng bi quan, JP Morgan, Societe Generale, BBVA và Capital Economics nhận định giá đồng sẽ thoái lùi về mức 7.000 đô la/tấn trong quí 4—2021 và tiếp tục giảm trong năm 2022, chủ yếu do nguồn cung cải thiện.

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá đồng sẽ đạt mức trung bình 10.620 đô la/tấn trong quí cuối năm nay. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs tin rằng đồng đang bước vào siêu chu kỳ tăng giá và sẽ đạt mức 12.250 đô la/tấn vào cuối năm sau, rôi cán mốc 15.000 đô la/tấn vào năm 2025. Họ xem đồng là “dầu mỏ mới” trong nền kinh tế vì kim loại nay đóng vai trò then chốt để giúp các chính phủ đạt các mục tiêu phi carbon hóa và thay thế dầu mỏ bằng các nguồn năng lượng tái tạo.

Họ ước tính đến năm 2030, nếu các công nghệ xanh được áp dụng hàng loạt, nhu cầu đồng toàn cầu sẽ đạt mức 8,7 triệu tấn, tức tăng 900% so với mức hiện nay.

Theo Fxstreet, CNBC, Investing

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Capital Economics   Covid   Covid-19   Joe Biden   MC   Trung Quốc   Tổng thống   căng thẳng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...