25/10/2020 7:20  
Dựng tạm ngôi nhà trên phần đất bố mẹ cho, cuộc sống gia đình vốn khó khăn, chị Trúc bàng hoàng khi hay tin mình bị khối u ác giai đoạn 3, chị lo lắng cho 3 đứa con còn nhỏ dại rồi sẽ ra sao…

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Trúc (43 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, Bình Định) đúng lúc vợ chồng chị đang gói gém ít quần áo chuẩn bị chở nhau vào TP Quy Nhơn để làm thủ tục nhập viện cho đợt hóa trị cuối cùng (lần thứ 8) và bước sang giai đoạn xạ trị - giai đoạn quyết định sự “sống còn” của người phụ nữ nghèo. 

Trong ngôi nhà tuềnh toàng được dựng bằng vài trụ bê tông, dưới mái nhà pro xi măng là những tấm ván gỗ tạp được gác vội, xộc xệch, như kiểu làm trần nhà để gác đồ đạc. Tường nhà che bằng những tấm tôn cũ, ván gỗ sơ sài. Bên trong ngôi nhà, người phụ nữ đầu trọc lóc vừa trải qua 7 lần hóa trị.

Chị Trúc kể, cách đây vài tháng chị thấy người mệt mỏi kéo dài, đến khi chị bị ngất xỉu thì mới đi bệnh viện khám và phát hiện khối u ác ở ngực phải. Lúc đó căn bệnh ung thư vú của chị đã ở giai đoạn 3. Bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú phải thành công nhưng chị đang phải trải qua nhiều đợt xạ trị, hóa trị rất tốn kém tiền bạc.

Chị Trúc nhớ lại, cuối năm 2019, chị vào TP Quy Nhơn khám bệnh mà trong túi có đúng 360 nghìn đồng. Khi bác sĩ kết luận tôi phải nhập viện điều trị để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u, mà người như rụng rời chân tay vì không có tiền. Lúc đó là cuối năm, gia đình ai cũng đang tất bật chuẩn bị đón Tết, nên vợ chồng đành để sang năm mới đi vay mượn tiền anh em họ hàng.

"Tôi biết việc điều trị rất tốn kém nhưng khi hỏi chồng thì anh nói không đáng bao nhiêu, vì sợ tôi lo lắng ảnh hưởng đến điều trị”, chị Trúc rớm nước mắt kể.

Chi phí điều trị bệnh của chị Trúc đến nay đã gần 100 triệu đồng và còn phải tiếp tục điều trị dài hạn. Trong khi hoàn cảnh gia đình chị Trúc hết sức khó khăn. Thu nhập chính của gia đình từ nghề làm bún trước đây khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Nhưng từ ngày bị bệnh tới nay, vì cơ thể suy nhược nên chị không làm được, chồng chị phải đi làm thuê để kiếm thu nhập đắp đổi qua ngày.

Gia đình chị có 4 con, 1 con gái lớn đã có chồng và đang làm công nhân tận trong TP HCM nhưng cuộc sống khó khăn cũng không giúp được gì; con trai kề mới 16 tuổi cũng bị bệnh gai cột sống và phải bỏ học giữa chừng, còn 2 con nhỏ còn lại thì đang đi học cấp 1 và cấp 2.

Hiện tại, gia đình chị Trúc phải sống tạm trong căn nhà tuềnh toàng trên đất của cha mẹ cho. Thu nhập không có, trong khi món nợ vay mượn để chữa bệnh của chị ngày càng lớn dần.

“Trước đây, tôi làm công nhân công ty dệt vải ở địa phương. Ngày làm công ty tối về nhận may khẩu trang và phụ chồng làm bún. Cuộc sống cũng đang dần vào ổn định thì đột nhiên tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Từ ngày tôi đổ bệnh, chồng tôi cũng bỏ làm bún, ai kêu gì làm nấy, không có việc thì lên rừng kiếm củi…”, chị Trúc ngậm ngùi.

Nói về hoàn cảnh gia đình chị Trúc, bà Nguyễn Thị Cẩm, Chủ tịch xã Cát Trinh cho biết: “Nghe tin chị Trúc bị ung thư khiến nhiều người dân ở địa phương ai cũng bàng hoàng vì chị còn trẻ đang độ tuổi lao động, lại thêm 3 con còn nhỏ nên kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn.

Sau khi chị Trúc phát bệnh hiểm nghèo, Hội Phụ nữ xã, các ban ngành, đoàn thể của xã đã vận động, ban đầu đóng góp một ít kinh phí để giúp chị có chi phí điều trị bệnh. Qua thông tin báo chí, địa phương rất mong muốn các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình chị Trúc để chị và các con với đi bớt khó khăn và tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác”.

Doãn Công

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cuộc sống   HCM   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...