09/11/2021 14:10  
Mặc dù là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới, nhưng Romania vẫn đang vật lộn trong việc thuyết phục người dân nước này tiêm vaccine.

Khi làn sóng Covid-19 mới ập đến Đông Âu vào tháng trước, "càn quét" những cộng đồng dân cư chưa được tiêm chủng, một giám mục ở phía nam Romania đã an ủi các tín đồ của mình rằng: "Đừng để bị lừa bởi những gì bạn thấy trên tivi - đừng sợ Covid". Thậm chí, giám mục này còn kêu gọi "không vội tiêm vaccine".

Vị giám mục đang bị cảnh sát điều tra vì phát tán thông tin sai lệch gây nguy hiểm. Tuy nhiên, lời kêu gọi chống vaccine của người này, cũng như của các chính trị gia nổi tiếng, hay những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng và nhiều người khác đã lý giải vì sao Romania được ghi nhận là quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người vì Covid-19 cao nhất thế giới trong những tuần gần đây.

Ngày 2/11, gần 600 người Romania đã tử vong vì Covid-19, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ tử vong tính trên quy mô dân số của Romania cao gấp gần 7 lần so với Mỹ và gấp gần 17 lần so với Đức.

"Làn sóng Covid-19 lần này tồi tệ hơn nhiều so với những lần trước. Nó giống như một cuộc chiến. Chúng ta bước vào phòng điều trị, nhưng không biết khi nào sẽ bước ra", bác sĩ Anca Streinu-Cercel tại bệnh viện lớn nhất về bệnh truyền nhiễm, Viện Quốc gia Bals, ở thủ đô Bucharest của Romania, cho biết.

Sáu xe cấp cứu chở bệnh nhân Covid-19 buộc phải đợi ở bên ngoài, trong khi các nhân viên y tế vẫn đang tìm chỗ trống bên trong các phòng điều trị chật kín bệnh nhân.

"Lý do duy nhất khiến mọi người phải vào đây điều trị là vì họ không tiêm vaccine", bà Streinu-Cercel nói.

Bác sĩ Streinu-Cercel cho biết có một số ca bệnh nặng dù đã tiêm vaccine, nhưng đó là do hệ thống miễn dịch của họ bị tổn thương do điều trị ung thư hoặc các bệnh khác.

Việc người dân chần chừ tiêm vaccine khiến Romania trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp thứ hai ở châu Âu. Hiện chỉ có khoảng 44% người trưởng thành ở Romania tiêm ít nhất một liều vaccine, cao hơn Bulgaria là 29%. Tỷ lệ tiêm vaccine trung bình tại Liên minh châu Âu hiện ở mức 81%, trong đó có một số quốc gia trên 90%.

Tương tự Romania, Bulgaria cũng có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 rất cao, khi các bệnh viện quá tải bệnh nhân mới. Tuần trước, một trong những bệnh viện lớn ở thủ đô Sofia đã kêu gọi các sinh viên y khoa và tình nguyện viên giúp đỡ.

Latvia, quốc gia nhỏ bé vùng Baltic, tháng trước đã trở thành thành viên đầu tiên của EU bắt đầu phong tỏa hoàn toàn kể từ giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020. Nga, nơi có chưa đến một nửa dân số trưởng thành được tiêm một liều vaccine, và Ukraine, nơi tỷ lệ dân số trưởng thành tiêm chủng dưới 1/3, cũng đã áp dụng lại các biện pháp hạn chế sâu rộng trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng.

Tâm lý hoài nghi về vaccine

Theo New York Times, nhiều người dân tại các quốc gia trên vẫn hoài nghi về khuyến cáo tiêm chủng do các nhà chức trách và bác sĩ đưa ra, trong khi trên mạng xã hội lại xuất hiện tràn lan các chuyên gia "tự phong" khuyên họ không nên tiêm chủng.

"Mọi người bỗng nhiên trở thành chuyên gia và tin giả xuất hiện khắp mọi nơi, 24 giờ mỗi ngày. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng loại virus này sẽ tồn tại lâu như vậy", Silvia Nica, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Bucharest, cho biết.

Do thiếu giường, Bệnh viện Đại học Bucharest buộc phải dựng lều ở bãi đậu xe để làm nơi điều trị cho bệnh nhân và biến hành lang thành khu điều trị Covid-19.

Romania bắt đầu tiêm vaccine cho người dân từ tháng 12 năm ngoái và đưa chương trình tiêm chủng cho quân đội thực hiện vì theo kết quả khảo sát, đây là lực lượng được tin tưởng nhất tại nước này. Lực lượng được tin tưởng thứ hai là các nhà thờ, tuy nhiên nhiều giám mục có tầm ảnh hưởng đã kêu gọi các tín đồ không tiêm vaccine.

"Tin giả có ảnh hưởng rất lớn đến người dân của chúng tôi và ở Đông Âu nói chung", Valeriu Ghorghita, đại tá quân đội dẫn đầu chương trình tiêm chủng của Romania, cho biết.

"Họ thực sự tin rằng vaccine không phải là cách phù hợp để ngăn chặn Covid-19", ông Ghorghita nói, đồng thời cho biết "hơn 90% trong số các trường hợp tử vong là những người không được tiêm chủng".

Theo ông Ghorghita, người lớn tuổi, nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, lại là những người khó thuyết phục nhất, và chỉ 25% người trên 80 tuổi được tiêm chủng tại Romania.

Bác sĩ Streinu-Cercel cho biết, cô cảm thấy không thoải mái khi cố gắng thuyết phục mọi người tiêm vaccine bằng cách khiến họ sợ hãi.

"Chúng ta nên thuyết phục dựa trên khoa học chứ không phải nỗi sợ hãi, nhưng sợ hãi lại là thứ duy nhất khiến công chúng chú ý", Streinu-Cercel nói thêm.

Theo bác sĩ Streinu-Cercel, sự mất niềm tin của người dân quá lớn, đến mức một số bệnh nhân dù đang "thở hổn hển" nhưng vẫn nói rằng "Covid-19 không tồn tại".

Tại trung tâm tiêm chủng ở bệnh viện của bác sĩ Streinu-Cercel, hàng ngày chỉ có vài người ghé qua, mặc dù vaccine được tiêm miễn phí và ngày càng cần thiết do các quy định mới yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm chủng mới được vào các tòa nhà công cộng.

Một trong những người tiêm vắc xin là bà Norica Gheorghe, 82 tuổi. Bà Gheorghe cho biết bà đã trì hoãn việc tiêm phòng trong nhiều tháng, nhưng đã quyết định tiêm vào tuần trước sau khi biết tin có gần 600 người chết vì Covid-19 trong một ngày.

"Tóc tôi dựng đứng khi nhìn thấy con số này, và tôi quyết định mình nên đi tiêm phòng", bà Gheorghe cho biết.

Đại tá Ghorghita đã lên mạng xã hội để bác bỏ những thông tin sai lệch về vaccine, đồng thời cũng gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo để yêu cầu họ không kích động những thông tin sai lệch.

"Họ không có nghĩa vụ khuyến khích tiêm chủng, nhưng họ có nghĩa vụ không khuyến khích việc phản đối tiêm chủng", ông Ghorghita nói.

Theo Catherine Smallwood, quan chức phụ trách các vấn đề về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở Đông Âu bắt nguồn từ một số yếu tố, bao gồm sự thiếu tin tưởng và tâm lý không tốt của người dân về vaccine.

"Chúng ta đang chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp ở nhiều quốc gia trên toàn khu vực", bà Smallwood nói với AP.

Các quan chức WHO cho biết, số ca mắc Covid-19 mới ở châu Âu đã tăng 55% trong 4 tuần qua, mặc dù khu vực này có nguồn cung vaccine được đảm bảo. Theo thống kê của WHO, với 78 triệu người mắc Covid-19, số ca nhiễm ở châu Âu hiện cao hơn tổng số ca nhiễm ở Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   New York Times   chuyên gia   hành vi   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...