16/06/2021 5:05  

* Hơn 79% ca tại TP.HCM lây nhiễm trong cộng đồng

Chiều 15.6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ 6 giờ ngày 14.6 đến 6 giờ ngày 15.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 88 ca dương tính Covid-19; trong đó, 13 ca trong khu phong tỏa, 64 ca trong khu cách ly, 8 ca đang điều tra và 3 ca chưa rõ nguồn lây. Theo HCDC, tính đến hết ngày 14.6, TP.HCM có 1.185 ca Covid-19 được công bố. Trong đó, 939 ca nhiễm trong cộng đồng (chiếm hơn 79%), 242 ca nhập cảnh, 4 ca lây trong khu cách ly VNA.

Nhiều chuỗi lây nhiễm

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, một số chuỗi lây nhiễm phát hiện trong những ngày gần đây có thể kể đến: chuỗi dịch Công ty Kim Minh (P.13, Q.5) được phát hiện từ ngày 10.6 đến nay, ghi nhận tổng cộng 27 ca dương tính Covid-19. Chuỗi ca nhiễm ở Hnam Mobile (654 Lê Hồng Phong, Q.10) phát hiện ngày 12.6 qua tầm soát 2 bệnh nhân (BN) khám sàng lọc tại Bệnh viện (BV) Vạn Hạnh. Hai người này là nhân viên Công ty Hnam Mobile. Ngành y tế đang tiếp tục điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần của chuỗi này.
Khu vực ngoại thành, chuỗi dịch tại ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn phát hiện ngày 11.6 qua 1 nhân viên Khoa Sơ sinh BV Nhi đồng 1 (Q.10) được khám sàng lọc tại BV Xuyên Á. Qua truy vết, phát hiện thêm 21 BN nữa cùng ấp trên. BV Nhi đồng 1 đã xét nghiệm (XN) toàn bộ nhân viên, không phát hiện thêm người bệnh. Tại BV Xuyên Á (BN 9827), qua tầm soát BN, BV phát hiện 1 ca dương tính hôm 9.6, tổng cộng chuỗi này có 22 BN, trong đó gồm đồng nghiệp, người nhà, nhân viên nhà hàng Vị Biển.
Đối với các chuỗi lây nhiễm cũ như Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp), xưởng cơ khí ở H.Hóc Môn, chung cư Ehome (Q.Bình Tân)... vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu tập trung lấy mẫu XN tầm soát trên diện rộng đối với các chuỗi chưa rõ nguồn lây, bởi nếu không kiềm chế được các ca tiềm ẩn trong cộng đồng thì nguy cơ dịch bệnh ngày càng lan rộng. Thứ hai, tổ chức lấy mẫu đối với người làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, phấn đấu đến ngày 21.6 hoàn thành. Trước thực tế nhiều ca bệnh là người hoàn thành đủ thời gian cách ly tập trung, ông Phong yêu cầu giám sát những ca bệnh sau xuất viện và người hoàn thành cách ly tập trung.
Qua sự việc nhiều nhân viên ở BV Bệnh nhiệt đới mắc Covid-19, ông Phong cho rằng dù nguyên nhân xuất phát từ khu hậu cần thì đó cũng là yếu kém trong công tác quản lý, chấp hành các quy định phòng dịch của TP.HCM, bởi trước đó thành phố đã yêu cầu các BV phải có phương án ngăn chặn dịch xâm nhập. Về việc tiêm chủng vắc xin, ông Phong yêu cầu lập kế hoạch tiêm chủng, trong đó xác định thứ tự ưu tiên.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã điều tra truy vết, XN và phát hiện 60 nhân viên dương tính Covid-19. Khu vực có nhân viên lây nhiễm là khu vực hành chính, trong đó có 1 người cư trú tại TT.Hóc Môn, H.Hóc Môn và 1 người cư trú tại block A1 chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân). Do đó đánh giá ban đầu có thể nguồn lây từ ngoài đi vào BV.

Phân loại F1 để cách ly tại nhà

Hiện TP.HCM đang cách ly 33.027 người, trong đó 11.970 người đang cách ly tập trung và 21.057 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. TP.HCM đang mở rộng công suất các khu cách ly tập trung tại các quận huyện và TP.
Về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, theo quy định của Bộ Y tế, người thuộc diện F1 (tiếp xúc F0) phải đi cách ly tập trung, F2 (tiếp xúc F1) chờ kết quả XN của F1. Hiện nay, TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp cách ly F1 tại nhà khi số ca F1 tăng lên.
Theo bác sĩ Hưng, việc cách ly F1 tại nhà có ưu điểm là sẽ giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng, thoải mái hơn do được ở chung với người thân và tuân thủ dễ dàng các biện pháp phòng dịch Covid-19. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng đỡ phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly. Nhưng không phải nhà nào cũng đủ điều kiện cách ly tại nhà. Ngành y tế sẽ đánh giá, nếu nhà đó có đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu không phải cách ly tập trung.
Theo quy định, hộ gia đình có người cách ly tại nhà phải cam kết với địa phương các điều kiện như ở trong phòng riêng, không được ra khỏi nhà, có cán bộ y tế và cán bộ địa phương giám sát. Nhưng việc khó khăn trong cách ly F1 tại nhà, theo bác sĩ Hưng, là giám sát sự tuân thủ của người được cách ly - đó là tuân thủ việc tiếp xúc trong nhà. Sở Y tế TP.HCM đang cân nhắc thí điểm để F1 cách ly tại nhà ở một số khu vực, sau đó nhân rộng ra. Để hỗ trợ cách ly tại nhà, Sở Y tế cũng hướng tới sử dụng công nghệ để giám sát người bị cách ly, nhưng phải tính toán để làm sao không vi phạm quy định pháp luật.
Về việc cho F1 cách ly tại nhà, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, đây là giải pháp khả thi và áp dụng được tại TP.HCM. Nhưng không phải F1 nào cũng được cách ly tại nhà, chỉ khoảng 30% F1 có thể cách ly tại nhà, nhưng nhà phải đủ điều kiện cách ly theo quy định. Nhóm F1 cách ly ở nhà như F1 đi siêu thị, trong tòa nhà (có F0) nhưng có mang khẩu trang, không tiếp xúc trực tiếp, việc này cần trích xuất camera để phân loại F1. Do đó, nhóm F1 nào an toàn thì cho cách ly tại nhà. Quản lý sức khỏe F1 ở nhà là không khó, quản lý không ra khỏi nhà là quan trọng nhất. Quản lý F1 tại nhà sợ nhất là F1 ra khỏi nhà, do đó, ngoài việc tuân thủ của F1, gia đình thì hàng xóm cũng có vai trò giám sát. Ngoài ra, cách ly F1 ở nhà khó lây chéo hơn ở khu cách ly, nhưng người nhà hạn chế thấp nhất tiếp xúc và nếu có lây chéo thì rất dễ phát hiện qua XN giám sát.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   HCM   Xuyên Á   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...