01/10/2021 8:05  
NThanh Niên đã thông tin, Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản ngày 29.9 đã chọn cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida làm lãnh đạo mới. Là Chủ tịch LDP, ông Kishida gần như chắc chắn trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga sau khi Quốc hội Nhật bỏ phiếu bầu thủ tướng mới vào ngày 4.10.

Tiếp tục chính sách của các tiền nhiệm

Nhận định khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng nước Nhật dưới thời ông Kishida sẽ không thay đổi về chính sách đối ngoại.
“Nhật Bản là một xã hội đồng thuận. Quyết định về chính sách đối ngoại thường được đưa ra bởi một nhóm, nên ảnh hưởng của người lãnh đạo bị hạn chế. Đó là lý do tại sao Nhật Bản có thể thay đổi thủ tướng thường xuyên như vậy”, TS Nagao phân tích và cho rằng sau khi cầm quyền, ông Kishida sẽ tiếp tục các chính sách về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) cũng như các thỏa thuận với “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ.
“So với Thủ tướng Suga, ông Kishida có kinh nghiệm làm ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Do đó, ông Kishida biết cách điều hành chính sách đối ngoại”, ông Nagao kỳ vọng.
Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá chính sách đối ngoại của ông Kishida chủ yếu sẽ theo đúng lộ trình mà các ông Abe và Suga đã đặt ra.
“Chính sách đối ngoại của Nhật Bản phần lớn phụ thuộc vào môi trường an ninh xung quanh nước này. Về mặt địa chiến lược, thách thức quân sự đối với Trung Quốc đang gia tăng, nên phải được cân bằng bằng các liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, cũng như thông qua “bộ tứ” và quan hệ đối tác song phương với các nước như Anh và Pháp”, GS Sato nhận định.

Thuận lợi và thách thức

Ông Sato phân tích thêm: “Về mặt địa kinh tế, Nhật Bản là cầu nối giữa 2 hiệp định thương mại tự do và hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Các cuộc đàm phán sắp tới về việc Trung Quốc đại lục và Đài Loan xin gia nhập CPTPP vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với Nhật Bản”.
Bên cạnh đó, theo ông Sato, phía lực lượng phòng vệ Nhật Bản không hài lòng với tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh “bộ tứ” vừa qua khi đặt các tranh chấp biển Hoa Đông và Biển Đông đứng sau vấn đề biến đổi khí hậu và không nêu rõ Trung Quốc là nguồn gốc của các vấn đề ở các vùng biển vừa nêu. Cá nhân ông Kishida đồng ý với lập trường ôn hòa của tuyên bố “bộ tứ”.
“Tuy nhiên, theo tuyên bố như vậy thì khi chiến lược công nghệ của Mỹ (đặc biệt là chất bán dẫn) được thể hiện chi tiết hơn, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với yêu cầu ngày càng tăng từ Mỹ để hợp tác sản xuất chip bán dẫn trên lãnh thổ Mỹ. Điều này sẽ thách thức lợi nhuận của các công ty Nhật Bản, vốn đã đóng góp sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Á”, GS Sato đặt vấn đề và cho rằng đó chính là thách thức cho ông Kishida trong thời gian tới.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Nhật Bản   Trung Quốc   Tương lai   chiến lược   chính sách   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...