12/10/2021 18:20  
Có nhiều yếu tố tạo ra điểm mù đối với các tàu ngầm hạt nhân hoạt động dưới lòng biển, đôi khi hai tàu ngầm hạt nhân có thể va vào nhau mà thủy thủ không hề hay biết về sự hiện diện của đối phương.

Ngày 7.10.2021, hải quân Mỹ thông báo tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut thuộc lớp Seawolf, ước tính trị giá lên tới 8,5 tỉ USD, gặp sự cố đâm phải vật lạ dưới biển hết sức nghiêm trọng.

Tàu USS Connecticut gặp tai nạn khi đang hoạt động ở Biển Đông. May mắn là không có thiệt hại về người và lò phản ứng hạt nhân trên tàu vẫn an toàn. Vài ngày sau, tàu đã trở về căn cứ trên đảo Guam để hải quân Mỹ đánh giá thiệt hại.

Một số thông tin chưa được kiểm chứng, nói rằng tàu gặp hư hại đáng kể ở phần mũi, có thể do đâm vào tàu ngầm nước ngoài hoặc các tàu lặn không người lái.

Đến ngày 12.10, hải quân Mỹ vẫn im lặng, chưa công bố nguyên nhân hay hư hại đối với tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut.

Trả lời trên tờ The Drive, Aaron Amick, người từng có 20 năm vận hành thiết bị thủy âm trên tàu ngầm hạt nhân Mỹ, nói có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống cảm biến tối tân trên USS Connecticut không thể phát hiện chướng ngại vật.

“Có hai phương pháp thường dùng để bảo đảm an toàn khi tàu ngầm di chuyển dưới nước, đó là sử dụng hải đồ và thủy âm chủ động tần số cao", Amick nói.

Hệ thống thủy âm chủ động giúp tàu ngầm phát hiện các vật thể dưới biển, từ mìn, xác tàu đắm cho tới tàu ngầm khác. “Hệ thống thủy âm chủ động giúp phát hiện vật thể trong bán kính 5km, nhưng cũng khiến để lộ vị trí cho tàu ngầm đối phương ở khoảng cách 10km”, Amick giải thích.

Do đó, các tàu ngầm thường chỉ sử dụng hệ thống thủy âm thụ động, tiếp nhận sóng âm từ các vật thể di chuyển dưới nước, từ đó xác định vị trí các vật thể này. Nhược điểm của hệ thống thủy âm thụ động là không thể phát hiện các vật thể tĩnh, những vật cản dưới nước hoặc thậm chí là tàu ngầm đối phương đang đứng yên tại chỗ.

"Hải quân Mỹ sở hữu những hải đồ được coi là chính xác nhất thế giới dưới dạng kỹ thuật số. Kíp tàu ngầm còn đem theo hải đồ giấy. Nhưng vẫn có những điểm mù mà kíp tàu ngầm không lường trước”, Amick nói.

Amick cho rằng, Biển Đông là khu vực có nhiều tàu thuyền qua lại, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động tàu ngầm. Một số khu vực có đáy rất sâu, nhưng sát đó là vùng biển nông với cấu trúc địa hình gần như dựng đứng và vươn tới gần mặt biển.

Tàu ngầm nước ngoài cũng là mối đe dọa với hoạt động của tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông. "Va chạm giữa các tàu ngầm tại Biển Đông luôn là điều có thể xảy ra. Có nhiều quốc gia đang vận hành tàu ngầm tại khu vực này, trong đó Trung Quốc sở hữu căn cứ tàu ngầm lớn nhất châu Á ở đảo Hải Nam. Luôn có lượng lớn tàu ngầm hiện diện tại đây", Amick nói.

Trong môi trường ở Biển Đông, các tàu ngầm có thể lợi dụng tiềng ồn xung quanh để ẩn mình dưới biển. Điều đó có nghĩa là hai tàu ngầm có thể di chuyển ngay sát nhau mà thủy thủ hai bên không hề hay biết, Amick nói.

Trên thực tế, việc các tàu ngầm va phải nhau là điều đã xảy ra trong quá khứ.

Năm 2009, tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard của Anh và FNS Le Triomphant của Pháp va vào nhau ở Đại Tây Dương. Thủy tàu ngầm Anh và Pháp không hề biết về sự hiện diện của tàu ngầm đồng minh.

“Tàu ngầm Pháp đã húc văng một mảng lớn ở phần trước tàu HMS Vanguard và quét dài xuống mạn phải con tàu”, chuyên gia William McNeilly, kỹ sư tàu ngầm Anh, từng tiết lộ.

Năm 1992, cú va chạm ở vùng biển nông khiến tàu ngầm Kostroma của Nga bị hư hại phần tháp chỉ huy, còn tàu ngầm Baton Rouge của Mỹ bị thủng bụng. Chi phí sửa chữa tàu quá lớn là nguyên nhân Mỹ loại bỏ tàu Baton Rouge sau đó 3 năm.

Cả hai tàu Kostroma và Baton Rouge đều là tàu ngầm hạt nhân, nhưng khi đó không mang theo các tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Trung Quốc   chuyên gia   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...