22/11/2021 15:15  
Theo RT, giữa tháng 8/2021, Nhật Bản đạt đỉnh dịch Covid-19 với khoảng 23.000 ca mắc mới/ngày, nhưng con số này đến nay chỉ còn 170, trong khi số ca tử vong giảm còn một con số.

Diễn biến dịch tại Nhật được cho là "hiện tượng lạ" và hoàn toàn trái ngược với châu Âu, đặc biệt là tại khu vực Đông Âu. Kể từ khi đạt đỉnh dịch vào giữa tháng 8/2021, số ca nhiễm ở Nhật giảm liên tục, xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9, dù mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Tàu điện, nhà hàng... những ngày này đông kín người.

Sau 3 tháng biến chủng Delta xuất hiện và hoành hành tại Nhật, số ca nhiễm những tuần gần đây đã dưới 200 ca/ngày, trong khi ngày kỷ lục vào giai đoạn đỉnh dịch ghi nhận 26.000 ca. Thậm chí, ngày 7/11 lần đầu không ghi nhận ca tử vong nào sau 15 tháng.

Các nhà nghiên cứu Nhật cho rằng, đợt dịch tại nước này biến mất một cách đột ngột, khác biệt rõ rệt so với các quốc gia khác, và con số dưới 200 là vô cùng thấp. Kể cả khi Nhật có tỷ lệ tiêm chủng cao (75,7% dân số), duy trì tốt giãn cách xã hội và người dân có thói quen đeo khẩu trang... thì việc này cũng khó giải thích.

Lý giải cho điều này, Japan Times mới đây dẫn giả thuyết đưa ra bởi một nhóm nhà nghiên cứu, rằng biến chủng Delta đã loại bỏ các biến chủng khác và cuối cùng "tự huỷ diệt" chính nó. 

"Xét thực tế ca nhiễm ở Nhật không tăng trong thời gian qua, chúng tôi nghĩ vào một chu kỳ đột biến nào đó, virus đã đi thẳng vào con đường tự diệt. Nếu virus còn sống và khỏe, ca nhiễm chắc chắn phải tăng vì khẩu trang và vaccine không thể ngăn toàn bộ lây nhiễm", GS. Ituro Inoue - một nhà di truyền học từ Viện Di truyền Quốc gia Nhật, nói.

Theo GS. Inoue, biến chủng Delta ở Nhật có thể đã "tích lũy quá nhiều đột biến", so với tốc độ trung bình khoảng 2 đột biến/tháng trên bộ gen của SARS-CoV-2. Điều này khiến protein phi cấu trúc có chức năng sửa lỗi di truyền mang tên nsp14 bị vô hiệu, khiến virus không kịp "vá lỗi" trong quá trình phân chia (trong cơ thể bệnh nhân) và rốt cục tự diệt.

Nghiên cứu của GS. Inoue và các cộng sự dựa trên các biến chủng Delta thu thập từ tháng 6 tới tháng 10/2021. Theo đó, nhóm nghiên cứu phát hiện biến chủng Delta ít đa dạng di truyền hơn biến chủng Alpha. Protein nsp14 của nhiều mẫu SARS-CoV-2 đã qua nhiều lần đột biến ở vị trí A394V, liên quan đến vấn đề sửa lỗi gen. Dự kiến, nghiên cứu sẽ được công bố chi tiết vào cuối tháng 11 này.

Theo các nghiên cứu trước đó, tỷ lệ dân số châu Á mang trong cơ thể enzyme phòng vệ APOBEC3A chuyên tấn công RNA virus, bao gồm SARS-CoV-2 gây Covid-19, cao hơn so với dân châu Âu và châu Phi. Phát hiện này khiến các nhà khoa học Nhật tò mò cách APOBEC3A tác động lên protein nsp14.

Tuy vậy, GS. Inoue cảnh báo Nhật Bản không vì thế mà "miễn nhiễm" trước các làn sóng dịch tiếp theo (nếu có), khi nguy cơ nước này đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới là rất cao, do các biến chủng khác có thể tìm cách len lỏi vào Nhật, vượt qua các biện pháp cách ly, kiểm soát nhập cảnh

"Chúng ta ổn vì biến chủng Delta ngăn không cho các chủng virus khác xâm nhập. Nhưng giờ không còn gì ngăn chúng được nữa, chỉ vaccine không đủ giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh bây giờ là rất quan trọng", vị GS. đánh giá.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Nhật Bản   bí ẩn   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...