28/10/2021 0:25  
Khi "hoàng tử piano" Lý Vân Địch bị bắt vì mua dâm tuần trước, cụm từ "quần chúng Triều Dương" lại nổi lên trên các trang mạng Trung Quốc.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Tình báo Mật (MI6) Anh, Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) và Cơ quan Tình báo Quốc gia Israel (Mossad) được biết đến là những đơn vị tình báo nổi tiếng nhất thế giới. Ở Trung Quốc, nhiều người dùng mạng so sánh đùa "quần chúng Triều Dương" với những cơ quan này vì người dân góp công giúp cảnh sát phá án, đặc biệt là tố giác các hành vi sai trái của ngôi sao.

Cụm từ "quần chúng Triều Dương" xuất hiện gần đây nhất vào tuần trước, khi cảnh sát quận Triều Dương thông báo bắt "hoàng tử piano" Lý Vân Địch với cáo buộc mua dâm. Mại dâm là bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Trong thông báo, cảnh sát viết họ nhận được "tin báo từ quần chúng rằng có một số đối tượng đang bán dâm trong khu dân cư Triều Dương". Cơ quan chức năng sau đó điều tra và phát hiện ra sự việc liên quan đến nghệ sĩ piano Lý Vân Địch.

Trước Lý, nhiều ngôi sao giải trí khác cũng bị phát giác hành vi sai trái theo cách tương tự. Theo một bài đăng trên mạng xã hội Weibo của Hiệp hội Quản lý Văn hóa Trung Quốc tuần trước, từ năm 2014 đến nay, ít nhất 10 người nổi tiếng đã bị cảnh sát điều tra về tội sử dụng ma túy hoặc mại dâm sau khi "có tin báo từ quần chúng".

Triều Dương là quận lớn nhất ở Bắc Kinh, với một khu thương mại nổi tiếng, nhiều đại sứ quán nước ngoài, cùng với Salitun, trung tâm ăn chơi về đêm sôi động bậc nhất thành phố. Nơi đây sở hữu các căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm hạng sang và luôn là địa điểm yêu thích của những người nổi tiếng cũng như giới doanh nhân.

Nhiều năm trước khi cụm từ "quần chúng Triều Dương" trở nên phổ biến, một bài báo năm 1974 trên tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đề cập khá chi tiết tới cách người dân hợp tác với lực lượng an ninh để bắt gián điệp từ Liên Xô.

"Các điệp viên nghĩ rằng không ai biết được những cuộc giao dịch bí mật trong góc tối của họ. Họ thật ngờ nghệch", bài báo viết. Người dân mà bài viết mô tả có thể được coi là tiền thân của "quần chúng Triều Dương" ngày nay.

Thuật ngữ này lần đầu tiên được đề cập đến trong thông báo của giới chức vào những năm 2010. Năm 2013, cảnh sát Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố rằng nhờ tin báo từ quần chúng, họ đã bắt Charles Tiết Tất Quần, tỷ phú đầu tư mạo hiểm, một trong những nhà đầu tư hoạt động tích cực nhất trên Internet Trung Quốc, vì hành vi mua dâm.

Kể từ đó, "quần chúng Triều Dương" đã trở thành cụm từ phổ biến khi đề cập đến những người dân cung cấp thông tin. Họ tiếp tục giúp "phơi bày" bí mật của nhiều người nổi tiếng khác, như vụ Phòng Tổ Danh, con trai diễn viên Thành Long, hút cần sa vào năm 2014.

"Cảnh sát bảo vệ quyền riêng tư của nguồn tin, vì vậy xin đừng hỏi họ là ai", cảnh sát Bắc Kinh cho biết trên Weibo. "Nhưng công việc của cảnh sát dựa rất nhiều vào tinh thần hỗ trợ và hợp tác của công chúng. Tất cả mọi người đều có thể trở thành thành viên của 'quần chúng Triều Dương'".

Năm 2015, báo Beijing Youth Daily đã tới thăm và viết bài về một cộng đồng như vậy ở quận Triều Dương, nơi có hơn 200 người cung cấp tin.

"Họ đều chỉ là những cư dân nhiệt tình hay chủ cửa hàng. Cho dù đang mua thức ăn hay đi dạo, bất cứ khi nào phát hiện ra điều gì đáng ngờ, họ sẽ báo ngay cho cảnh sát", bài báo viết. Thậm chí còn có một đội tuần tra 24 giờ gồm 70 thành viên luôn quan sát, cảnh giác trước mọi bất thường trong cộng đồng.

Tất cả thành viên đội tuần tra đều có số điện thoại của một cảnh sát địa phương, họ sẽ báo cho cảnh sát nếu thấy điều gì đó khả nghi. Nếu có thể xử lý tình huống tại chỗ, cảnh sát sẽ giải quyết sự việc, nếu không sẽ báo lên cấp trên. Các tình nguyện viên từng giúp đưa một người cao tuổi bị tâm thần đi chữa trị và điều tra một trường hợp phá hoại ở khu phố.

Từ lâu ở Trung Quốc đã tồn tại khái niệm "ngăn chặn và quản lý bởi quần chúng", được cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và các quan chức khác đặt ra từ năm 1949, theo People's Daily.

Tại Bắc Kinh, truyền thống này được bộ máy tuyên truyền khuyến khích trong nhiều năm qua, sử dụng các tình nguyện viên không chỉ trong cộng đồng mà còn cả trên mạng.

Từ năm 2014, cảnh sát mạng Bắc Kinh bắt đầu tuyển dụng các tình nguyện viên để hỗ trợ phát hiện những hành vi lừa đảo trên Internet hay các nội dung khiêu dâm, cờ bạc, sử dụng ma túy và ngăn chặn phát tán tin đồn thất thiệt. Đến năm 2015, hơn 3.000 người đã tham gia.

Năm 2017, cảnh sát Bắc Kinh đã ra mắt một ứng dụng điện thoại di động có tên "quần chúng Triều Dương", giúp người dân báo cáo bằng cách tải lên hình ảnh và mô tả, đồng thời cho phép cảnh sát gửi cảnh báo cũng như thông báo cho mọi người về những trường hợp đang được điều tra.

Theo một bài viết năm 2018 của Ủy ban các Vấn đề Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, có khoảng 190.000 tình nguyện viên ở quận Triều Dương làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh công cộng, chiếm khoảng 5% dân số quận. Họ cung cấp hơn 20.000 tin cho cảnh sát mỗi tháng.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng vấp phải chỉ trích. Một số người đặt câu hỏi liệu nó có dẫn đến các tin báo ác ý hay không. Theo Yi Yidian, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Hoa Đông, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết liên quan đến hoạt động của "quần chúng Triều Dương", bao gồm lên danh sách tiêu chuẩn về những gì công chúng có thể báo cáo.

"Không gian riêng tư của các cá nhân có thể dễ dàng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có sự cân bằng giữa giữ gìn an ninh công cộng và bảo vệ quyền riêng tư", ông lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Nguồn tin: vnexpress.net


Hiệp hội   Không gian   Trung Quốc   hành vi   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...