16/08/2021 14:15  
Trước bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, nhiều bệnh nhân (F0) không có triệu chứng, từ giữa tháng 7 đến nay, Bộ Y tế đồng ý để TP.HCM thí điểm cách ly F0 tại nhà. Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), từ ngày 16/8, các trường hợp F0 điều trị tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cung cấp thuốc, thực phẩm...

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 không triệu chứng lâm sàng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 thì tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày; người mắc Covid-19 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc bệnh nền điều trị ổn, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Tự cách ly, theo dõi điều trị tại nhà, yêu cầu các F0 cần bình tĩnh, một số việc cần chuẩn bị như sau:

-Chuẩn bị thực phẩm hoặc viên uống có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C như cam, chanh, quýt, rau củ,...

-Nước súc miệng: nước muối sinh lý, nước súc miệng sát khuẩn...

-Thuốc hạ sốt: paracetamol, lưu ý sử dụng thuốc không chứa thành phần cafein vào chiều tối vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

-Thuốc trị ho, thuốc trị tiêu chảy, thuốc trị sổ mũi.

-Túi rác có ghi nhãn: “CHẤT THẢI NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

-Thiết bị theo dõi sức khỏe: Nhiệt kế, máy đo SpO2, điện thoại thông minh.

Người bệnh cách ly ở một phòng riêng, bảo đảm phòng cách ly có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng. Phòng cách ly phải thông thoáng, mở cửa sổ thường xuyên.

Người bệnh cần tuân thủ thực hiện 5K, không tiếp xúc với người xung quanh, kể cả vật nuôi, không được ra khỏi phòng cách ly, trừ khi lấy thực phẩm, nhu yếu phẩm và phải đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn. Ở 1 mình trong phòng không cần đeo khẩu trang. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn tay, khăn giấy. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi. Rác thải của người bệnh được thu gom vào túi rác riêng và liên hệ với Trạm y tế phường để được xử lý.

Theo dõi chỉ số SpO2 rất quan trọng, đa số ca nhiễm Covid-19 khi được đưa đến các cơ sở y tế đều rơi vào tình trạng nguy kịch vì SpO2 tụt xuống thấp, dẫn đến khó thở là một triệu chứng nguy hiểm cần được xử trí ngay. Theo dõi SpO2 2 lần/ngày (sáng và chiều). Khi SpO2 thấp hơn 95%, thân nhân phải liên hệ trạm y tế phường để được tư vấn hay nhập viện. Tuân thủ cách dùng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.

Khi bị sốt, cần theo dõi thân nhiệt 2 giờ/lần cho đến khi hết sốt, trở về nhiệt độ bình thường (36 - 37,5˚C). Khi sốt > 38˚C phải báo ngay cho nhân viên y tế, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày (không quá 4 viên paracetamol 500mg) với người lớn. Uống từ 1,5 – 2 lít nước/ngày, bảo đảm cân bằng dịch, điện giải, bảo đảm dinh dưỡng và nâng cao thể trạng. Bệnh nhân cần mặc quần áo thông thoáng, thoải mái.

Khi bị ho, sổ mũi thì uống thuốc trị ho và sổ mũi. Vệ sinh mũi họng, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng hoặc nước muối sinh lý, 3 lần/ngày. Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, mặt. Không ăn, uống các chất kích thích, đồ ăn quá cay, nóng. 

Điều quan trọng nữa là phải ổn định tâm lý, không quá hoang mang. Cần giữ tinh thần thoải mái, bình tĩnh và suy nghĩ tích cực. Có thể đọc sách, nghe nhạc, xem phim ảnh để thư giãn, giải trí. Tập thể dục thường xuyên để duy trì cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái. Thường xuyên tâm sự, chia sẻ cùng với gia đình và bạn bè bằng điện thoại. Chăm sóc cây xanh, lau dọn phòng cách ly ngăn nắp, sạch sẽ. Duy trì năng lượng sống tích cực nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Đối với người chăm sóc F0 ở chung nhà thì cần đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn khi tiếp xúc với người bệnh. Sau khi tiếp xúc với người bệnh phải tháo bỏ khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch chứa cồn. Khẩu trang sau khi dùng xong phải bỏ vào túi rác riêng. Tấm chắn giọt bắn nếu tái sử dụng cần được khử khuẩn bằng dung dịch chứa cồn, phơi ngoài nắng, để khô ráo và thoáng mát. Thân nhân không ôm đồ dùng cá nhân, quần áo bẩn của người bệnh, không được mang bất kỳ đồ dùng nào của người bệnh ra khỏi nhà.

(*)ThS. Trương Văn Đạt - Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP. HCM

TS. Trần Thuỵ Khánh Linh - Phó Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược TP.HCM

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Khẩu trang   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...