01/12/2021 7:10  
Hơn 3 tháng giãn cách khiến anh Thành mắc nợ gần 10 triệu đồng và phải trả trước Tết. Nếu không có thưởng Tết, năm nay chắc anh phải ăn Tết xa xứ vì... "tiền đâu mà về".

Thưởng Tết là... liều thuốc tinh thần

Những ngày cuối năm, nghe công ty thông báo thưởng Tết có thể giảm sâu so với mọi năm, anh Lê Văn Thành (34 tuổi, quê Bến Tre, ngụ TPHCM) mất ăn mất ngủ. Thưởng Tết nếu giảm quá nhiều, mọi kế hoạch Tết của anh sẽ tiêu tan, có thể anh chẳng dám về quê.

Năm ngoái, anh nhận 11 triệu đồng tiền thưởng ngày 28 Tết. Sáng hôm sau, anh háo hức chạy xe máy về quê thăm nhà như bao phận đời công nhân tha hương khác. Số tiền thưởng hoàn toàn xứng đáng với công sức anh bỏ ra sau một năm làm không ngừng nghỉ. Nó như một liều thuốc xoa dịu tinh thần vì "làm công nhân may tuy ổn định nhưng áp lực công việc khá cao".

"Tôi học đến lớp 9 nên chỉ có thể làm công nhân. Góc khuất đằng sau công việc này là 'nghe chửi lãnh lương'. Nhiều ngày đi làm, tôi bị mắng mỏ đến bật khóc nhưng cũng phải ngậm ngùi chấp nhận, vì cuộc sống", người đàn ông 34 tuổi nghẹn ngào.

"Bám chuyền" hơn 8 năm, thu nhập của anh Thành hiện dao động khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Anh dùng 6 triệu lo trang trải cuộc sống, 1 triệu gửi về quê cho mẹ già tích trữ.

 "Lãnh lương tháng nào hết tháng đó, không có dư. Nhiều khi thiếu thốn còn phải gọi điện xin mẹ gửi tiền lên trang trải...", anh Thành lắc đầu ngao ngán.

Hơn 3 tháng nghỉ tránh dịch, mẹ anh hay gọi hỏi thăm con trai còn tiền không. Anh cố nói còn để mẹ yên tâm nhưng 'ví tiền xẹp lép'. Sau dịch, anh Thành mắc nợ gần 10 triệu đồng. Do đó, ngay sau khi đi làm lại, anh đã cố làm hết sức, tăng ca tối đa để mong có thêm thu nhập và thưởng Tết cao hơn.

"Mong thưởng Tết từng ngày, tiền thưởng tôi trích một phần trả nợ, còn lại đem về quê mua đồ cúng ông bà, đồ dùng trong nhà và lì xì cho mẹ 1-2 triệu sắm sanh ngày Tết. Trước dịch, tôi còn dự định sửa sang lại nhà vì mùa lũ là ngập nhưng việc này chắc phải hoãn lại vô thời hạn vì giờ chưa có tiền trả nợ", anh Thành tâm sự.

Có Tết hay không tùy vào tiền thưởng

Cũng nghe thông tin công ty sẽ giảm thưởng Tết, chị Trần Thị Vẽ (32 tuổi, quê An Giang, ngụ TPHCM) gạt nước mắt và dứt khoát hủy kế hoạch về quê. Có thể đây sẽ là lần đầu tiên người phụ nữ 32 tuổi này ăn Tết nơi xứ lạ.

"Không có tiền, dịch lại đang bùng phát ở miền Tây nên cũng không muốn về. Không chỉ riêng tôi mà cả 2 dãy trọ công nhân quanh đây đều chẳng ai có ý định về quê", chị Vẽ bộc bạch.

Năm 2019, chị nhận thưởng 100% lương cơ bản với số tiền khoảng 5 triệu đồng. Năm ngoái, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiền thưởng giảm một nửa. Chồng chị Vẽ làm tài xế xe tải, thưởng Tết mọi năm rơi vào khoảng 4 triệu đồng, năm nay có thể mất thưởng.

"Hai vợ chồng lấy thưởng chi tiêu trong nhà rồi về quê lì xì cho cha mẹ và con cháu. Đời công nhân trông có nhiêu đó thôi, nhưng không có thì cũng chấp nhận vì đây là khó khăn chung", chị Vẽ bày tỏ.

Hơn 4 năm qua, mỗi dịp Tết, công ty anh Phạm Chí Đức (28 tuổi, quê Cà Mau, ngụ TPHCM) đều thưởng nhân viên một chuyến du lịch. Anh khá hào hứng vì mỗi năm lại được khám phá những vùng đất mới của đất nước.

"Mọi năm công ty tôi cho đi du lịch trong nước tại các điểm như Đà Lạt, Vũng Tàu… và thưởng thêm tiền mặt khoảng 1-2 triệu đồng. Cách thưởng này giúp thư giãn đầu óc nhưng vẫn có thêm chút tiền làm lộ phí về quê", anh Đức chia sẻ.

Năm nay, anh vẫn chưa nghe thấy công ty thông báo thưởng Tết vì công ty chỉ mới hoạt động khoảng 50% công suất. Khả năng năm nay anh sẽ không có thưởng hoặc mức thưởng chỉ ở mức tượng trưng.

"Có thưởng thì vui, thưởng cao thì vui nhiều, thưởng ít thì vui ít. Dù thưởng hay không tôi cũng về quê vì mỗi năm chỉ có duy nhất dịp này để sum vầy cùng cha mẹ già. Tết không về chắc nhớ nhà, nhớ cha mẹ lắm", anh khẳng định.

 Phương Nhi - Xuân Hinh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bến Tre   Covid   Covid-19   HCM   TPHCM   du lịch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...