11/11/2021 8:25  
Tôi đang nghiên cứu về chuyên ngành chính trị học. Một trong các trường hợp được chúng tôi đem ra thảo luận là trang web PolitiFact giám sát lời hứa tranh cử của các tổng thống Mỹ.

Trang web nổi tiếng này được lập ra bởi viện Poynter. Theo các khảo sát và phân tích được cập nhật bởi một đội ngũ lành nghề, tổng thống Obama thực hiện 47% các lời hứa, trong khi tỷ lệ này của tổng thống Trump là 23%. Những thông tin này rất có giá trị không chỉ với người dân, giới phân tích, người quan tâm đến chính trị mà với cả các ứng cử viên vào Nhà trắng trong các kỳ bầu cử tới.

Tuần này, một số thành viên chính phủ "trả bài" trong lần chất vấn đầu tiên, khi Quốc hội khóa 15 họp kỳ thứ hai. Theo lịch trình làm việc, các bộ trưởng đăng đàn trước tiên sẽ đến từ Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Giáo dục Đào tạo.

Trong bối cảnh đất nước cần phục hồi hơn bao giờ hết, có lẽ nhiều vấn đề trong các phiên chất vấn sẽ được đặc biệt chú ý. Đây là cơ hội để lãnh đạo trình bày cụ thể những việc mình đã làm trong thời gian qua cũng như kế hoạch hành động thời gian tới. Những cam kết, lời hứa được đưa ra trên nghị trường cũng sẽ là nhiệm vụ mà các bộ trưởng chính thức nhận trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Là một người theo dõi chính sách, tôi quan tâm đến nội dung câu hỏi và hồi đáp từ các bộ trưởng. Nhưng là một người dân, tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến đến khả năng thực hiện lời hứa từ các "tư lệnh ngành".

Kể từ khi các phiên họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp năm 1998, tôi thấy các bộ trưởng thường đưa ra nhiều cam kết ở nghị trường. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về việc lãnh đạo sau đó thực hiện đầy đủ các lời hứa hay không. Lời cam kết gần nhất mà tôi nhớ là thời gian vận hành của đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bộ trưởng Giao thông đã khẳng định rằng, tuyến đường sẽ được khai thác thương mại vào cuối năm 2018. Và nó đã không xảy ra.

Có lẽ nhiều đại biểu cũng băn khoăn giống tôi. Đã từng có không ít phàn nàn rằng các bộ trưởng quên không thực hiện đúng cam kết, hoặc không đưa ra lộ trình cụ thể để xử lý những vấn đề cử tri kiến nghị. Vì thế mà khi vừa nhậm chức hai ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ tập trung đánh giá "lời hứa" của bộ trưởng, cụ thể là thông qua các phiên chất vấn và giám sát chuyên đề.

Tuy nhiên, việc giám sát này mang tính thời điểm và sẽ chỉ tạo phản ứng mang tính đối phó với người được chất vấn. Có người chỉ cần trổ tài ăn nói và "xử lý" các lời hứa bằng cách đưa thêm những lời hứa khác thay vì cố gắng giải quyết vấn đề một cách thực chất. Hoặc có người cố gắng xử lý bề nổi của vấn đề thay vì đưa ra các giải pháp dài hạn. Ví dụ như để làm tăng chỉ số GDP của địa phương, thay vì lựa chọn các phương án đầu tư đem lại hiệu quả cao, các lãnh đạo có thể phê duyệt những công trình dễ thực hiện nhưng không có mấy giá trị với dân như tượng đài hay cổng chào. Một số học giả gọi đây là kiểu "quản trị trình diễn" - lấy vẻ bên ngoài để che đậy nét sơ sài bên trong.

Một cách làm khác là tạo ra các ban bệ phục vụ riêng cho công tác giám sát. Bất lợi lớn nhất của phương án này, đương nhiên, là tăng thêm chi phí vận hành, khiến bộ máy nặng nề hơn. Quy trình giám sát dựa vào hệ thống quan liêu có thể sẽ kéo dài đến vô tận, bởi nếu anh giám sát tôi thì ai giám sát cơ quan giám sát?

Người dân có thể là câu trả lời. Ở nhiều quốc gia, giám sát lời hứa của chính trị gia được thực thi tốt nhất từ phía xã hội, bao gồm truyền thông, các tổ chức, đặc biệt là các công dân liên quan trực tiếp tới quyết sách. Khi có lợi ích liên quan, sự giám sát sẽ được tiến hành liên tục và khách quan hơn. Trường hợp trang web PolitiFact ở trên là một.

Thêm vào đó, chế tài đủ mạnh có lẽ đóng vai trò quyết định trong việc giám sát lời hứa bộ trưởng. Qua nhiều nhiệm kỳ, Quốc hội hiện đang thực hiện hiệu quả cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm và Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Quy định 41 về miễn chức vụ với cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp. Rõ ràng, việc các bộ trưởng thực hiện cam kết của mình tới đâu sẽ là thông tin tác động trực tiếp tới lá phiếu tín nhiệm của họ.

Tuy nhiên, bởi việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ diễn ra một lần trong cả nhiệm kỳ Quốc hội và đồng loạt với tất cả chức danh, quy trình này có thể tốn thời gian mà không thực sự hiệu quả. Thay vào đó, Quốc hội nên có thêm các phiên bỏ phiếu tín nhiệm "bất thường" với một số vị trí, dựa trên đề xuất của các đại biểu Quốc hội.

Mặc dù đã có quy định về điều này trong Luật Tổ chức Quốc hội 2014, chưa có tiền lệ nào về bỏ phiếu tín nhiệm bất thường.

Chế tài không chỉ là hình phạt cho những ai thất hứa, mà còn để trân trọng những lãnh đạo thực hiện đúng lời nói của mình.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn tin: vnexpress.net


Giáo dục   Trump   Xã hội   chính sách   hành vi   kiến nghị   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...