29/04/2021 4:02  
Một tác phẩm văn chương tối giản, giàu mỹ cảm đã gợi ra một cuộc đối thoại sâu rộng và đầy lý thú tại Cà phê Thứ Bảy Trẻ (TP.HCM).

Gần 3 giờ đồng hồ trao đổi cùng độc giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dịch giả Quế Sơn và TS. Đào Lê Na đã giải nhiều lớp mã nghệ thuật trong tuyệt tác Lụacủa Alessandro Baricco.  “Lụacó cấu trúc của một bản opera bằng văn chương”, dịch giả Quế Sơn phân tích: "Không kể chương 59 với hình thức giống như vở opera, ngay cả các câu thoại ngắn trong tác phẩm này cũng rất opera".

"Baricco từng trả lời phỏng vấn cho biết rằng ông khi viết thỉnh thoảng vẫn đọc to lên một đoạn văn để xem hiệu ứng ngôn ngữ có ổn không, nên khi dịch Lụa, có những đoạn tôi cũng đọc to lên và nhận ra nhạc tính của tiếng Việt còn nhiều hơn cả tiếng Ý hay tiếng Anh”, dịch giả Quế Sơn nói.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu khi nói về lối viết của Baricco đã cho rằng, Lụalà sự giao thoa những thế mạnh của nghệ thuật văn chương Ý và Nhật Bản, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu phân tích sự ưu việt, độc đáo của Lụa: Vẻ đẹp của những khoảng trống giữa các chương sách là các khoảng lặng đầy giá trị. 

Ông cũng nhắc đến khái niệm “dư bạch” trong tranh thủy mặc Trung Hoa, sự cô đọng của thơ Haiku Nhật Bản để khẳng định bút pháp của nhà văn Ý Alessandro Baricco qua Lụađã đạt tới được cái đẹp tối giản, “ý tại ngôn ngoại”, rất Nhật Bản.

TS. Đào Lê Na nhắc đến không khí tịch lặng, thời gian ngưng đọng trong thủ pháp điện ảnh của đạo diễn Ozu. Cô kết luận rằng, dẫu là ở loại hình nghệ thuật văn chương hay điện ảnh, xứ Nhật Bản luôn tìm kiếm những nét đẹp vượt ra ngoài ngôn ngữ mô tả thông thường. 

Sau 17 năm công bố (1996-2013), tiểu thuyết Lụađã được dịch qua tới 37 thứ tiếng. Câu chuyện chàng trai 33 tuổi Hervé Joncour từ thị trấn Lavilledieu của nước Pháp du hành sang đất nước Phù Tang tìm mua trứng tằm để về duy trì nghề chăn tằm dệt lụa, đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp bí ẩn của một cô gái Nhật Bản cho đến nay vẫn còn làm say mê nhiều độc giả trên toàn cầu.

"Chỉ với một địa danh Teraya, tôi đã mất ngót 20 năm mới tìm ra âm Hán Việt của nó là Tự Cốc", dịch giả Quế Sơn cho biết. Ông nói thêm, từ sau khi dịch phẩm Lụain lần đầu vào năm 2001 (Nhà xuất bản Trẻ), ông vẫn luôn day dứt vì những điều chưa làm được, đặc biệt là nhà xuất bản lúc đó buộc phải cắt một đoạn trong bức thư quan trọng (chương 59) vì bị cho “trái thuần phong mỹ tục”.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Nhật Bản   Vẻ đẹp   bí ẩn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...