03/12/2021 7:10  
Mẹ mất vì Covid-19, hiện chị em Vi cùng ông ngoại nghèo khó sống tạm bợ trong một cái lán giữa khu nghĩa trang. Hai chị em Vi đều không biết bố mình là ai.

Hai chị em bé Trần Thị Thúy Vi (12 tuổi, ngụ xã An Thủy, Ba Tri, Bến Tre) từ khi sinh ra đã không biết mặt bố là ai, mẹ "vứt" em ở quê cho ông ngoại nuôi rồi bỏ đi biệt tích. Vợ mất từ lâu, ông Lê Văn Giàu (52 tuổi) gà trống nuôi con, con gái bỏ đi thì lại một mình nuôi cháu.

Hơn 10 năm qua, ông cháu Vi sống dưới một cái lán nằm giữa khu nghĩa trang gia đình của họ hàng. Cái lán che bằng đủ thứ vải bạt mà ông Giàu nhặt được, một phía dựa vào vách khu mộ, 3 phía còn lại để mặc gió lùa.

Ông cháu Vi ngủ trên một chiếc giường sắt cũ được một bệnh viện cho, đồ đạc thì nhét trong vỏ chiếc tủ lạnh hỏng nhặt về từ bãi rác.

Chiếc bếp củi là thứ duy nhất xua đi lạnh lẽo, u ám giữa những ngôi mộ trong những đêm gió mưa gào rít. Củi nhóm bếp cũng là những cành cây nhặt xung quanh khu mộ.

Ông Giàu là công nhân quét dọn rác. Với mức tiền công mỗi ngày chỉ hơn 130 nghìn đồng vừa đủ lo tiền ăn học, quần áo cho cháu gái, bao năm qua dù không ăn không tiêu nhưng ông cũng chẳng dành dụm được chút nào.

Rồi hồi tháng 7, ông Giàu bất ngờ nhận được một tờ giấy báo tử rằng con gái mất do Covid-19 ở TPHCM, cháu ngoại đang được đơn vị chuyên trách chăm sóc và sẽ trao trả cho gia đình sau khi đủ điều kiện và hoàn tất thủ tục. Đến lúc này ông mới bất ngờ biết rằng mình lại có thêm một đứa cháu ngoại.

Sau đó, ông Giàu nhận bé Lê Gia Bảo (2 tuổi) cháu ngoại cùng mẹ nhưng khác cha với bé Vi về nuôi. Ông cũng không biết bố của Bảo là ai cả. Thêm miệng ăn, hoàn cảnh ba ông cháu lại càng khốn khó.

"Tôi vốn nuôi một đứa cháu đã không đủ ăn rồi, giờ lại thêm đứa nữa, không phải tôi than vãn gì đâu, mà thiệt tôi không kiếm đủ tiền để lo cơm ăn cho các cháu. Ngày ngày tôi đi làm, bà con người ta thương, người cho cơm, có người cho áo, tiền lương chỉ dành lo ăn mặc cho các cháu.

Nhưng có phải chỉ ăn mặc đâu, còn tiền học, rồi còn ốm đau không chừng. Tháng nào cũng thiếu, thật tình tôi nuôi không nổi, mọi người giúp cho ông cháu tôi với!", Ông Giàu nghẹn ngào.

Mặc dù mới 52 tuổi nhưng khuôn mặt ông Giàu trông như một ông lão ngoài 80, nhăn nheo, sạm đen, khắc khổ. Tay chân không ngừng run rẩy. Ông Giàu đã nghèo khó một đời, trái ngược với cái tên của mình, điều mà cha mẹ ông có lẽ đã ước mơ.

Ngày ngày, ông ngoại đi làm, Vi lại cùng em trai cùng nhau chơi quanh các ngôi mộ. Nghĩa địa vốn là sân chơi từ bé của Vi, chỉ khác là ngày xưa mộ đất, Vi chơi một mình, bây giờ thì mộ xây và Vi có thêm em trai chơi cùng nữa.

Hai đứa trẻ vẫn vô tư nô đùa không sợ hãi khi xung quanh đều là "người chết" vì đã quen, cũng không đau buồn vì mẹ mình đã chết vì chưa từng được ấm áp trong vòng tay của mẹ.

Bà Võ Thị Thắm - Công chức LĐTB&XH xã An Thủy cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Giàu vô cùng bi đát. Từ trước đến nay địa phương đều rất quan tâm, chăm lo, chòm xóm cũng rất thương cảm, giúp đỡ. Nay ông Giàu vừa đón thêm một cháu ngoại về nuôi nên hoàn cảnh lại khó khăn gấp bội, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

"Địa phương rất quan tâm giúp đỡ nhưng cũng chỉ hạn chế vì nguồn lực không đủ, thay mặt chính quyền xã, tôi gửi lời nhờ cậy đến các nhà hảo tâm gần xa, bạn đọc Báo Dân trí giúp đỡ, chia sẻ để gia đình ông Giàu, nhất là 2 cháu bé có cơ hội được đến trường, được sống tốt hơn", bà Thắm nói.

Nguyễn Cường

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bến Tre   Covid   Covid-19   HCM   TPHCM  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...