07/11/2021 8:25  
Hàng loạt tuyến đường tại TP HCM tái diễn ngập úng sau các trận mưa, triều cường, ảnh hưởng đời sống người dân, trong khi nhiều dự án chống ngập chậm triển khai.

Chiều 6/11, triều cường đạt đỉnh hơn 1,7 m làm nhiều khu vực trũng thấp ở TP HCM ngập sâu, giao thông rối loạn. Các tuyến đường như Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7), Tôn Thất Thuyết (quận 4); Calmette (quận 1); Lương Định Của (TP Thủ Đức)... nước dâng cao hơn nửa bánh xe. Tình trạng tương tự cũng diễn ra chiều hôm trước khi triều cường gây ngập, ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt, buôn bán của người dân nhiều khu vực.

Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng), đỉnh triều tối 5/11 đo cao nhất 1,64 m, gây ngập 6 tuyến đường gồm: Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè); Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thị Thập, Phạm Hữu Lầu (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Cuối tháng 10, mưa và triều cường cũng làm nhiều tuyến đường tại trung tâm quận 1 ngập sâu, như Calmette, Lê Thị Hồng Gấm cùng khu vực quận 12, Bình Thạnh với các đường như Phan Văn Hớn, Bình Lợi... Trong khi ở TP Thủ Đức, ngập úng cũng tái diễn trên các tuyến Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Tô Ngọc Vân...

Đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết tại các tuyến Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương, triều cường từ một mét trở lên sẽ cao hơn nhiều đoạn mặt đường hiện hữu. Để giải quyết triệt để tình trạng ngập tại đây, các dự án lớn như bờ tả sông Sài Gòn, vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2, nâng cấp hệ thống cống các tuyến Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương... cần sớm hoành thành.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án bờ tả sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Rạch Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng khởi công năm 2017. Công trình khi khai thác giúp ngăn nước tràn từ thượng nguồn sông Sài Gòn và triều cường, bảo vệ ngập úng cho khoảng 1.600 ha. Dự án ban đầu dự tính hoàn thành năm 2020 nhưng vướng giải phóng mặt bằng nên phải lùi lại đến năm sau.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, đến cuối năm 2020, TP HCM xử lý được 22 trong 40 điểm ngập do mưa ở các trục chính và gần 180 tuyến hẻm, đường nhánh. Riêng ngập do triều, thành phố còn 4 tuyến chưa được giải quyết, gồm: Nguyễn Văn Hưởng, quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn. "Tình trạng ngập ở các tuyến này sẽ được khắc phục khi giai đoạn một dự án ngăn triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu hoàn thành", ông Điệp nói.

Dự án ngăn triều này có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, xây dựng ở quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Công trình dự kiến hoàn thành giai đoạn một năm 2020, giúp kiểm soát ngập do triều dâng, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái dự án tạm dừng thi công do vướng mắc ký phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán...

Hồi tháng 4 năm nay, Chính phủ ra nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho dự án, song hiện các công việc chưa tiến triển. Phía Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (nhà đầu tư) cho biết, hiện dự án vẫn chưa khởi động lại, đang chờ TP HCM phối hợp các bên giải quyết. Đến nay, toàn dự án đạt khoảng 90% khối lượng xây lắp, trong đó 6 cống ngăn triều lớn gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định cũng đạt 90-95%...

Theo Sở Xây dựng, ngập nước tại TP HCM ngoài các nguyên nhân biến đổi khí hậu, dân số tăng, đô thị hoá nhanh còn do triển khai các dự án chậm, mới chỉ đạt khoảng 46% theo quy hoạch tổng thể thoát nước ở thành phố. Ngoài ra, các quy hoạch thoát nước, chống ngập hiện không còn phù hợp; nguồn vốn làm các dự án gặp nhiều khó khăn...

Trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng tính toán nhu cầu vốn cho các công trình chống ngập ở TP HCM ước tính cần hơn 101.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 31.400 tỷ đồng, còn lại từ vốn Trung ương, PPP, ODA... Trước đó giai đoạn 2016-2020, các dự án thuộc chương trình giảm ngập tại TP HCM được giao hơn 28.400 tỷ đồng, đạt gần 30% nhu cầu.

Hiện, thành phố chuẩn bị khởi công 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó một số công trình như dự án đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), Lý Chiêu Hoàng (quận 6), rạch Đầm Sen (quận 11)... Cùng với thực hiện những dự án này, các đơn vị thuộc Sở Xây dựng đang tập trung hoàn thành hai dự án chống ngập đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình). Đây là 3 trong tổng 18 trục chính hiện bị ngập, theo thống kê của thành phố.

Gia Minh

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   HCM   hạ tầng kỹ thuật   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...