25/05/2021 11:24  
(Tin thể thao, Tin tennis) Sự thay đổi trong vòng 3 năm qua đã tiếp tục giúp Rafael Nadal chinh phục những đỉnh cao dù nhọc nhằn.

  

Video Nadal thắng Djokovic sau 3 set để đoạt chức vô địch Rome Masters năm nay:

Vô địch Rome Masters 2021, Rafael Nadal đã cân bằng kỷ lục 36 danh hiệu ATP Masters 1000 của chính đối thủ Novak Djokovic và có năm thứ 15 giành được ít nhất một giải Masters.  

Trước đó, Nadal đã tự phá kỷ lục của chính mình với 18 năm liên tiếp giành ít nhất một danh hiệu ATP Tour sau khi chiến thắng ở Barcelona Open với việc đánh bại Stefanos Tsitsipas sau 3 set 6-4, 6-7, 7-5 tại trận chung kết kéo dài tới 3 giờ 38 phút.

Lần đầu tiên và năm đầu tiên Nadal có được danh hiệu chuyên nghiệp là 2004 trên mặt sân đất nện ở Sopot (Ba Lan).

Những kỷ lục của Rafa thiết lập trong mấy năm gần đây đều là hai con số: 20 Grand Slam, 18 năm liên tiếp có ít nhất 1 chức vô địch, và bản thân Barcelona Open 2021 cũng là lần thứ 12 Nadal đăng quang ở đó.

Hay như chiếc cúp ở Rome cũng giúp Nadal là người duy nhất vô địch bốn giải đấu khác nhau ít nhất 10 lần (thêm Monte-Carlo Masters và Roland Garros).

Hãy nói một chút về quá khứ để thấy sự bền bỉ của Nadal. Nếu như bại tướng ở Barcelona Open của Nadal, Tsitsipas là một trong những gương mặt điển hình của Thế hệ Tương lai (Next Gen) xuất hiện cách đây 3 năm, thì Djokovic ở Rome Masters là cùng thời, còn các đối thủ của Nadal ở Sopot 2004 hầu như đã treo vợt.

18 năm trước tại Warsaw (Ba Lan), Nadal đã chiến thắng ở giải đấu có những Marat Safin, Nikolay Davydenko, David Ferrer, Igor Andreev, Juan Monaco, Lukasz Kubot và Victor Hanescu.

32 tay vợt đơn nam ngày đó tới nay 30 người đã giải nghệ. Ngoài Nadal, chỉ còn có Garcia Lopez, một tay vợt Tây Ban Nha khác dù chưa treo vợt nhưng cũng đã “biến mất” khỏi Top 200 ATP.

Hãy so sánh một chút về sự liên tục của “Big 3” dù chúng ta có thể thống nhất dễ dàng với nhau rằng, đa số sự phân định chỉ nên thực hiện khi cả ba đều đã gác vợt.

Federer cũng đã có 18 năm giành ít nhất 1 danh hiệu mỗi năm, nhưng lại chỉ có thể đạt được sự liên tục trong 15 năm đầu tiên.

Anh vô địch lần đầu tiên khi 20 tuổi, năm 2001 và sự liên tục dừng lại khi Federer 34 tuổi (2015).

Djokovic cũng đang có 15 năm liên tiếp có cúp (thậm chí tối thiểu là 2) từ khi 19 tuổi tới 34 tuổi hiện thời.

Djokovic vẫn còn nguyên cơ hội để tiếp tục nối dài thêm số năm kỳ diệu của riêng mình dù cho anh tự đặt ra cho bản thân sự lựa chọn: Dồn năng lượng vào những giải Grand Slam.

Một chiến binh & Một sự biến hoá

18 năm, Nadal đã đối đầu với ba thế hệ tennis khác nhau bằng những phẩm chất đặc biệt tưởng như không thay đổi khi thi đấu trên mặt sân đất nện.

Là cú bóng xoáy thuận tay đặc trưng. Là lối đánh bền bỉ đầy toan tính chiến thuật. Là khả năng di chuyển siêu việt. Và trên tất cả, nói như Tsitsipas sau trận chung kết Barcelona Open: “Nadal khiến cho cuộc sống trên sân đấu của tôi trở nên vô cùng khó khăn. Anh ấy hơn tất cả, là người ghét thất bại nhất”.

Nadal đã định nghĩa là giá trị của bản thân từ trên nhận định đó: Tôi không ghét thất bại, mà tôi yêu sự chiến đấu.

Nếu không chiến đấu thì Nadal đã thua Tsitsipas trong trận chung kết ở Barcelona. Nếu không chiến đấu thì Nadal đã thua Shapovalov ở tứ kết Rome Masters. Cả hai chiến thắng đều là sự trở lại sau khi đã rất cận kề với thất bại. Đó là phong cách, hay phẩm chất đã giúp Nadal không trắng tay trong những năm đầy thử thách 2009, 2015 và 2016.

Nhưng thực ra, Nadal còn điều chỉnh lối chơi để liên tục chiến thắng chứ không chỉ có mỗi ý chí. 

Máy tính thống kê lại quãng đường 3 năm của Nadal ở giải đấu sở trường Monte-Carlo Masters cho thấy tay vợt người Tây Ban Nha sử dụng cú thuận tay chiếm 58% mỗi khi đánh bóng từ cuối sân (đối thủ là 59%). Việc Nadal đứng ôm sân hơn và đánh bóng sớm hơn là một trong các lý do khiến anh cần sử dụng cú trái tay nhiều hơn thay vì thường xuyên né trái đánh phải.

Nadal không còn đứng ở vị trí số 1 trên BXH những cú thuận tay nhiều xoáy nữa. Anh giờ đứng sau Dominic Thiem và cả Tsitsipas ở những cú thuận tay topspin, và chỉ hơn các đối thủ về vòng xoáy khi tính đến cú trái tay.

Các chuyên gia phân tích chiến thuật sau trận chung kết Rome Masters 2021 nhận thấy hai điều: Nadal thắng Djokovic không phải nhờ những loạt đôi công bền bỉ; trái lại, là những loạt bóng ngắn từ 4 lần chạm vợt trở xuống; và Nadal sử dụng những cú thuận tay hiệu quả.

Nadal chơi nhanh hơn, muốn kết thúc điểm số chóng vánh hơn là điều đã được nhận ra từ vài năm qua.

Ba năm trước cũng tại Rome Masters, Nadal đánh bại Zverev trong trận chung kết kéo dài 3 set nhờ anh giành nhiều điểm hơn trong các loạt đôi công có số lần chạm vợt từ 9 trở xuống (tỉ lệ là +9) chứ không phải đôi công giằng co trên 9 (chỉ +2).

Rồi trong tuần đầu tiên ở Roland Garros 2019, Nadal chơi chủ yếu với chiến thuật tốc hành: Số điểm chỉ qua 4 lần chạm vợt hoặc ít hơn chiếm tới 57% - một thông số làm chúng ta dễ liên tưởng tới Roger Federer.

Cũng có những thời điểm Nadal nếu thua trong các loạt đôi công bóng bền thì anh gần như sẽ thua cả trận đấu, nhưng đó là khi chạm trán với Djokovic ở đỉnh cao phong độ. Các loạt đôi công bóng bền thường xảy ra ở các thời điểm quan trọng (big moments), và mất điểm sau những pha bóng đó ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý chứ không chỉ là bỏ lỡ cơ hội hay phải đối mặt với hiểm nguy. Thua bóng bền khi đó nói ngắn gọn là sẽ thua luôn cả bóng nhanh.

Câu hỏi quan trọng nhất: Cơ hội ở Roland Garros?

Giành hai chức vô địch (Barcelona, Rome) và thất bại ở hai giải khác (Monte-Carlo: thua Rublev ở tứ kết, Madrid: thua Zverev ở tứ kết) là thành tích không phải tốt nhất, nhưng cũng không phải tệ nhất của Nadal ở sân đất nện trước thềm Roland Garros.

Nadal từng trắng tay ở bốn giải đất nện năm 2015 rồi thua Djokovic ở tứ kết Roland Garros 2015.

Nadal cũng từng giành một Masters 1000 (Monte Carlo) và một ATP 500 (Barcelona) năm 2016 rồi bỏ cuộc vì chấn thương cổ tay ở vòng 3 Roland Garros 2016.

Chỉ có một lần Nadal từng thất bại ở Roland Garros mà trước đó vừa vô địch Rome Masters, đó là năm 2009.

Sự khác biệt hoặc tích cực có thể tìm thấy trong năm nay là phong độ của Nadal tốt lên qua từng tuần. Nhất là chiến thắng ở Rome – nơi có nhiều điểm tương đồng với Paris, trong đó có độ cao (đều dưới 100m) so với mực nước biển.

Độ cao ở Madrid (gần 700m) kèm theo không khí loãng hơn khiến Nadal gặp khó khăn trước các tay vợt có cú giao bóng uy lực.

Độ cao thấp hơn kèm điều kiện không khí dày hơn sẽ cho Nadal cơ hội trả giao bóng tốt hơn, dù cho ở đó cần thêm điều kiện trời nắng để “Bò tót” có thể tìm thấy sự cộng hưởng cho những cú bóng xoáy nảy cao.  

Và Nadal cũng biết rằng đối thủ lớn nhất của anh vẫn là Djokovic, người đã chơi một trận chung kết xuất sắc trong bối cảnh chưa đầy một ngày trước đó phải chơi một trận rưỡi (bán kết 3 set với Sonego và đánh nốt nửa trận 3 set khác với Tsitsipas).

Thử thách về thể lực với Djokovic như thế là tương tự, thậm chí còn khắc nghiệt hơn cả Grand Slam với thể thức 5 set.

Phải chăng đó là lý do Djokovic không thất vọng sau khi thất bại?

Phải chăng đó là nguyên nhân Nadal hiểu rằng, phong độ đang tốt lên của anh vẫn cần phải tốt hơn nữa?

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Máy tính   Nadal   Roland Garros   Tương lai   chinh phục   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...