17/08/2021 10:05  
Ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết đã thực hiện tập huấn xong cho toàn bộ giáo viên (GV) tham gia dạy chương trình mới cho học sinh năm nay.
Riêng với chương trình lớp 2 năm nay, theo ông Bình sẽ có sự đổi mới về cách tiếp cận. “Nghĩa là GV phải thay đổi cách dạy làm sao phát huy được năng lực của HS, tăng cường sự tương tác, trải nghiệm. Ngoài ra, khi phụ huynh nắm được chương trình họ sẽ không đặt áp lực lên con mình về điểm số”, ông Bình kỳ vọng.
Trong khi đó, là một trong hai trường ở Q.12 năm trước chọn dạy theo bộ sách Cánh Diều (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM), bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ, cho biết năm nay trường đổi sang dạy theo bộ Chân trời sáng tạo.
Còn bà Tống Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), cũng cho biết để dạy học chương trình sách giáo khoa lớp 2 mới, 100% GV đã được tập huấn trực tuyến từ tháng 7 sẵn sàng cho việc dạy học.
Với tình hình hiện tại của TP.HCM, tới ngày 15.9 như kế hoạch dự kiến khai giảng năm học mới của Sở GD-ĐT thì có khả năng HS sẽ học trực tuyến. Với bậc tiểu học, nhiều nhà quản lý cho rằng sẽ rất khó khăn, đặc biệt với HS lớp 1, lớp 2.
Theo ông T.V.T, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM, khó khăn đầu tiên là năm nay việc bố trí GV sẽ khác với năm học trước, nghĩa là khi vào năm học mới HS sẽ được học với GV mới. Do vậy, riêng việc sắp xếp nền nếp, giờ giấc học tập, kết nối với phụ huynh… đã bị ảnh hưởng.
“Mình có thể dời lại 1 - 2 tuần, hoặc lâu hơn một chút để các HS được học trực tiếp, được quen với cách thức, nền nếp. Chứ với HS lớp 1, lớp 2 mà giờ yêu cầu các em học trực tuyến thì coi như tôn chỉ, mục tiêu của chương trình giáo dục mới chúng ta không cách nào đạt được. Vì dạy trực tuyến, GV chỉ dạy được kiến thức cơ bản đã khó đừng nói đến việc chú trọng năng lực, hay các hoạt động nâng cao kỹ năng…”, ông T.V.T chia sẻ.
Cũng theo ông T. với những trường công lập, nơi mỗi lớp có tới 40 - 50 HS sẽ càng khó khăn khi dạy học trực tuyến. Với những trường này, khi tình hình dịch Covid-19 ổn hơn, có thể chia ca, tách lớp ra học. Các em có thể học một buổi ở lớp, một buổi trực tuyến ở nhà.
Tương tự, theo bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, nếu phải khai giảng và bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến cho HS tiểu học thì sẽ rất khó khăn. “Nhiều phụ huynh vẫn chưa biết hoặc không có thiết bị công nghệ. Máy tính không có, không thể kết nối mạng, các thiết bị kết nối khác cũng không… Chúng tôi rất sợ nếu phải cho học sinh học trực tuyến”, bà Hoa chia sẻ.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Máy tính   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...