28/07/2021 2:10  
Từng giai điệu thân thuộc của bài hát "Quê hương" trong tiếng kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn đã phần nào như xoa dịu nỗi nhớ nhà, sự khó khăn của hơn 10 ngàn bệnh nhân và các y bác sĩ.

Trong những ngày qua, các đêm nhạc được đội tình nguyện viên nghệ sĩ tổ chức phục vụ cán bộ y tế và 10.000 bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện dã chiến đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc.

Trong đêm diễn có sự tham gia của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn được lan tỏa trên mạng xã hội. Đêm nhạc đặc biệt ấy không chỉ xoa dịu nỗi nhớ nhà, sự khó khăn cho các y bác sĩ, bệnh nhân mà còn khiến khán giả xúc động bởi sự đồng cảm.

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: "Một buổi diễn thật sự xúc động với tôi khi giai điệu của Quê hương, Về quê, Diễm xưa Còn tuổi nào cho em được đón nhận với những tiếng vỗ tay nhiệt liệt của các khán giả vô cùng đặc biệt tại khu bệnh viện dã chiến! "

Có mặt trong đêm diễn âm nhạc đầy xúc động của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nhiếp ảnh gia Hải An tâm sự, đó là đêm của thanh âm "hàn gắn vết thương" trong tâm hồn mỗi người.

Tất cả cùng hòa trong tiếng ca điệu nhảy, cũng vỗ tay say sưa theo âm nhạc. Những thanh âm réo rắt theo gió thổi lên cao, len lỏi qua nhưng tầng lầu, những ô cửa xóa tan đi sự âu lo, mệt mỏi và đêm bớt dài dằng đẵng.

"Ánh sáng từ các phòng bệnh làm đèn sân khấu, thỉnh thoảng còi xe cứu thương làm nhạc đệm, dứt một màn biểu diễn là tiếng reo hò vỗ tay như sóng cuộn dâng trào. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ cho bất cứ ai đang hiện diện nơi đây, khi không gian, thời gian, cùng con người chia sẻ một chữ đồng. Đêm dã chiến tràn đầy xúc cảm yêu thương!", anh nói.

Không chỉ những khán giả có mặt tại đêm nhạc xúc động, nhiều khán giả xem qua clip đêm biểu diễn trên mạng xã hội cũng không kìm nén được cảm xúc.

Chị Hoài Nam (TPHCM) chia sẻ, chị đã bật khóc khi xem phần trình diễn của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn. Chị Nam cho rằng khi bị cách ly trong 4 bức tường, trên giường bệnh thì tiếng kèn như là sự gắn kết.

"Tôi đã từng nghe Trần Mạnh Tuấn bên ngoài nhiều, nhưng khi xem clip này tôi đã không kiềm chế được cảm xúc, bật khóc nức nở. Tôi khóc vì xúc động, vì đau, vì thương.

Tiếng kèn như giữa hư vô nhưng lại là "món ăn tinh thần" với người bệnh. Ai cũng đang mệt mỏi vì dịch, tôi không thể hình dung nổi một ngày sẽ nghe tiếng kèn trong bối cảnh này. Âm nhạc giúp con người hướng về sự hy vọng, hướng về sự tươi đẹp ngay lúc khó khăn, bất an nhất".

Trên trang cá nhân, chị Bùi Trâm (TPHCM) viết: "Mình đã khóc như một đứa trẻ khi tình cờ xem clip biểu diễn của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tại bệnh viện dã chiến. Từng giai điệu da diết của ca khúc Quê hương như đâm sâu vào trong lòng tôi khi đã rất lâu rồi tôi chưa được về quê thăm bố mẹ".

Chị Tâm trải lòng, sự cô đơn và lo lắng ngày càng lớn khi TPHCM kéo dài chỉ thị 16. Tất cả những cảm xúc tiêu cực đều được giải tỏa khi nhìn thấy mọi người trong khu điều trị vẫn tích cực, lạc quan cùng giúp đỡ nhau bước qua khó khăn. Những năng lượng tích cực ấy đang là liều thuốc quý giá khiến những người như cô vững tâm và mạnh mẽ hơn.

Băng Châu

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   HCM   Quê hương   TPHCM   khán giả   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...