14/11/2021 7:10  
Có phụ huynh kiểm soát rất chặt, rồi "té ngửa" khi con xem... gần hết bộ phim "Trò chơi con mực". Thả nổi hoặc cấm đoán đều góp phần đẩy trẻ xa cha mẹ, bơi trên mạng internet.

Trong khi khắp nơi và nhiều người đang tranh cãi bộ phim "Trò chơi con mực" nên gắn mác 18+ hay 15+ thì thực tế nhiều học trò ở bậc tiểu học mới 6 - 10 đã "nằm lòng" bộ phim. Từ nhân vật, mã số, các trò chơi, diễn biến... nhiều trẻ nhỏ có thể kể, tả vanh vách. Các em còn chỉ dẫn cho nhau, xem trên kênh nào cho "nét". 

Cô Nguyễn Thị Hảo, giáo viên tiểu học ở Khánh Hòa kể, nghe nhiều người xầm xì trẻ nhỏ đang bị ảnh hưởng bởi  phim Squid Game, cô thử dò hỏi các học sinh lớp 3 của mình thì đúng y bài, các em biết hết. 

Trong khi đó, cô Lê Ngọc Thủy, giáo viên tiểu học ở TPHCM cho biết, học trò của mình, học lớp 5, gần như cả lớp đều rành về bộ phim. Có em nghe kể, xem theo kiểu đứt đoạn qua quảng cáo trên mạng nhưng  không ít em đã xem bộ phim một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất.

Hiển nhiên, cô lo ngại việc học trò còn quá ít tuổi đã tiếp cận với bộ phim trần trụi đầy đủ mọi yếu tố "bạo lực và tình dục". Vậy nhưng, cô thấy sợ hơn là các em tiếp cận một cách lén lút hoặc được tự do, thả nổi, không hề có định hướng, đồng hành. 

Hiện nay, đặc biệt gắn với việc học online, theo cô Thủy, hầu hết các em sở hữu điện thoại, máy tính nối internet trong tay. Chỉ một cái vuốt, cái kích chuột là có tất cả, nhưng hầu hết chỉ nghe bố mẹ và thầy nhắc: "Tuổi các con chưa phù hợp!" kiểu né tránh. Có phụ huynh ra lệnh "cấm" nhưng cấm nổi hay không thì thật khó biết. 

"Có những phụ huynh khẳng định gia đình kiểm soát chặt lắm, không hở được chút nào. Rồi họ "té ngửa" biết con xem hết nửa bộ phim, có em xem trong giờ học hay giờ làm bài tập, đúng khi bố mẹ phấn khởi "con mình dạo này chăm học quá", cô Thủy kể. 

Nữ giáo viên nhấn mạnh, không chỉ bộ phim đang nổi này mà còn rất nhiều thứ "kinh hoàng" khác trên mạng thâm nhập vào trẻ. 

Bố mẹ đi lùi, con càng dễ.. lạc lối!

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, sáng lập Không gian đọc Củ Chi cho biết, sau giờ học online, cậu con trai lớp 2 thường mượn điện thoại thêm vài phút. Cô cũng như hầu hết phụ huynh, nghĩ một chút không sao nhưng rồi cô nhận ra, con hay nhắc đến "trò chơi con mực".

Người mẹ dò hỏi thì được con chỉ dẫn tận tình vào mạng xem thử. Đến lúc đó, cô mới biết đến bộ phim và nhận thấy... mình đã đi sau con một nhịp. Lập tức cô xem, tìm hiểu về bộ phim để biết con mình đang bị cuốn hút bởi cái gì. 

Không thể cấm, không thể tránh, cô và con có những cuộc trò chuyện về bộ phim. Trẻ không quá quan tâm đến bộ phim mà các em chú ý nhiều nhất đến những trò chơi, game mô phỏng trong bộ phim.

"Tôi cho con xem thêm những cảnh hậu trường đóng phim, để con thấy những gì trên phim chỉ là "giả", người ta tạo chứ không phải đánh thật, chết thật. Và khẳng định với con, cuộc sống không ai được phép đánh, làm đau người khác", cô Phương kể. 

Ngoài ra, cô cũng giải thích thêm với con, người tham gia trò chơi vì họ không còn sự lựa chọn. Đó là bài học cho chúng ta về tiêu xài, về nợ nần, tầm quan trọng của sự phấn đấu, chăm chỉ... 

Giữ để trẻ không tiếp cận với những thông tin, hình ảnh bạo lực, sex trong thời đại số hóa phải nói là việc ảo tưởng. Thách thức mà mọi phụ huynh phải đối diện là làm sao "đua" được với internet, với mạng xã hội... để lôi kéo con về phía mình. Cấm đoán hay thả nổi đều góp phần đẩy trẻ xa cha mẹ, bơi trên mạng với đầy nguy hiểm rình rập. 

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các Bà Mẹ) kể, bà từng gặp trường nghe rất giật gân: Người mẹ "cầu cứu" khi bắt gặp con gái lớp 1 ngoan hiền, nhút nhát mượn điện thoại ba, ngồi ở góc giường xem phim "tươi mát".

Cảnh tượng này, bố mẹ thường bị sốc và lập tức cho con ăn "vả", dùng những từ ngữ "hư hỏng", "bẩn thỉu", "xấu xa", "vô giáo dục", "súc vật" để nói về hành vi này sẽ đẩy tình cảm bố mẹ con cái cách xa hàng cây số. Ai bình tĩnh hơn thì sử dụng câu muôn thuở: "Con chưa đến tuổi". 

Bố mẹ cấm đoán, trừng phạt ra, đều nằm trong kế hoạch của trẻ, các em sẽ tìm cách "hoạt động bí mật". Lần tới sẽ cảnh giác hơn, phải cẩn thận với những kinh nghiệm che giấu hành tung và xóa dấu vết. 

Một khi trẻ đã có sự tò mò, lại có cơ hội tiếp cận với thiết bị kỹ thuật số ở khắp mọi nơi như hiện nay theo bác sĩ Lan Hải việc cấm đoán con có nổi không? Cấm được bao lâu? 

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh, trong tình huống này, không cấm và mắng con không có nghĩa là "cho con xem" mà là "xem cùng con". Thay vì đóng vai "cảnh sát trưởng" thì đây là cơ hội để bố mẹ vào vai một người bạn đồng hội đồng thuyền của con, cung cấp thêm những clip, sách vở về  giáo dục giới tính, cùng chia sẻ với con những kiến thức về vấn đề tế nhị này. 

Chuyên gia này khuyến cáo, khi con bộc lộ công khai suy nghĩ của mình, cha mẹ mới định hướng được. Nếu cha mẹ trì hoãn không dạy con, thì internet và mạng xã hội sẽ làm thay. 

Hoài Nam 

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Không gian   TPHCM   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...