30/07/2021 17:10  
Theo số liệu đối sánh của Bộ GD-ĐT, điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ nhiều địa phương "vênh" rất lớn, có môn 4 điểm. Một số chuyên gia cho rằng, cần xem lại "phao cứu sinh" đến từ 30% điểm học bạ.

Không nhất thiết phải có "phao cứu sinh"

Từ năm 2020, Bộ GD-ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh. Các chuyên gia cho rằng, 30% điểm học bạ trên đây, được coi là "phao cứu sinh".

Theo kết quả phân tích số liệu của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ĐH FPT và các cộng sự, năm 2021, nếu bỏ "phao cứu sinh", tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm nay sẽ là 88,51%.

Địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất là Bình Dương (99,28%), thứ 2 là Vĩnh Phúc (98,22%), thứ 3 là Nam Định (97, 61%).

3 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp thấp là: Hòa Bình (64,77%), Cao Bằng (62,47%) và Hà Giang (51,49%).

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Lê Trường Tùng cho hay, tỷ lệ tốt nghiệp khoảng 88,51% mà mình và các cộng sự vừa tính toán đưa ra trên đây được xem khá ổn, có thể chấp nhận được.

Cụ thể, số liệu này phản ánh khá thực chất thực trạng dạy học của các địa phương, tương đương tỷ lệ tốt nghiệp ở Mỹ. Thậm chí một số tỉnh còn ở mức khá cao như Bình Dương, Vĩnh Phúc…

"Chỉ một số tỉnh ở miền núi phía Bắc là có vấn đề, nếu có phao cứu sinh, tỷ lệ ở các tỉnh này chỉ tăng được một phần nhưng cũng không đáng ngại.

Điều này khác hẳn với những năm trước đây, khi tôi phân tích số liệu thời điểm đó, nếu không có 'phao cứu sinh', tỷ lệ tốt nghiệp cả nước chỉ khoảng hơn 60%, quá thấp", TS Tùng cho hay.

Do vậy, ý kiến của chuyên gia này đưa ra: năm học kế tiếp, không nhất thiết phải sử dụng "phao cứu sinh" trong xét tuyển tốt nghiệp THPT nữa.

Về ý kiến cho rằng, nếu kết quả phân tích trên đây phù hợp, vậy nên chăng vẫn cần công bố điểm học bạ để làm kênh đối sánh?

TS Lê Trường Tùng cho hay, vẫn nên có kết quả học bạ để đối sánh nhưng không nhất thiết dùng nó làm "phao cứu sinh" với mức 30% điểm trong xét tuyển tốt nghiệp THPT như hiện nay bởi không thực sự cần thiết.

Không nên vì học bạ làm kết quả đánh giá méo mó

Trở lại với kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ 2021 của Bộ GD-ĐT vừa công bố, môn Lịch sử, một loạt tỉnh có điểm thi thấp nhưng điểm học bạ khá cao, có tỉnh "vênh" giữa điểm học bạ và điểm thi lên tới gần 4 điểm.

Chẳng hạn Hà Nội, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của địa phương này là 4,855 nhưng trung bình điểm học bạ của môn này lên đến 8,231 ("vênh" 3,376 điểm).

Tỉnh Phú Yên có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử là 4,561 nhưng trung bình điểm học bạ của môn này lên đến 7,926 ("vênh" 3,366 điểm).

Tỉnh Long An có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử là 4,931 nhưng mức trung bình điểm học bạ của môn này là 8,302 điểm ("vênh" 3,371 điểm)…

Mặc dù không "vênh" nhiều như Lịch sử nhưng môn Tiếng Anh, ở nhiều tỉnh thành cũng có chênh lệch giữa điểm thi so với học bạ đến hơn 2 điểm như: Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Phú Yên…

Nhiều người đặt câu hỏi, trong khi công tác tổ chức thi chức gắt gao, đề thi bài bản thì điểm thi thấp. Ngược lại, điểm học bạ lại rất cao. Như vậy giữa hai kết quả trên, sử dụng kết quả bên nào đáng tin cậy hơn? 

Đánh giá về điều này, TS Lê Trường Tùng cho rằng, có thể một số học sinh không lựa chọn thi môn Lịch Sử nên đánh giá hơi khó.

Còn riêng môn Tiếng Anh, em nào cũng phải thi. Phổ điểm năm nay cho thấy, nhiều em dùng kết quả nội lực (học trong nhà trường) và một số em có kết quả ngoại lực (học thêm bên ngoài).

Việc học thêm bên ngoài của Ngoại ngữ không giống các môn Toán, Lý, Hóa- các em chỉ luyện lại các bài học trong nhà trường. Ở môn học này, các em có thể luyện thêm ở bên ngoài rất cao, lúc đó phổ điểm bỗng dưng vọt lên. Vì vậy, môn học này có 2 đỉnh điểm, thể hiện ngoại lực và nội lực.

TS Lê Trường Tùng cho biết thêm, việc tổ chức thi tốt nghiệp như hiện nay là cần thiết, để đánh giá chất lượng đào tạo của tất cả các khu vực. Trên cơ sở ấy, các nhà quản lý hoạch định kế hoạch, có định hướng phát triển cho từng vùng như thế nào.

Tuy nhiên, nếu cộng thêm cả kết quả học bạ (trong khi chưa biết kết quả ấy có thực chất không) vào điểm thi tốt nghiệp THPT, tự nhiên bức tranh trên sẽ trở nên méo mó và khi ấy, việc đánh giá sẽ không còn chính xác nữa.

M. Hà

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   Hội đồng Quản trị   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...