18/06/2021 14:05  
Nhắc đến vé số thì phải nói đến Sài Gòn. Người Sài Gòn có lẽ là người mua vé số nhiều nhất cả nước. Trước dịch Covid-19, đâu đâu khắp Sài Gòn bạn cũng có thể bị người bán vé số chào mời. Sau đợt nghỉ bán dài hạn năm 2020 vì Covid, đời vé số cũng không thể khá hơn mà còn thê thảm hơn khi Covid-19 bùng phát tại TP.HCM. 
Ghé thăm căn nhà vé số của những người quê Phú Yên thuê suốt 10 năm qua ở hẻm đường Nguyễn Văn Cừ tôi không khỏi xót lòng vì cuộc sống mưu sinh chật vật của những người tóc bạc trắng, da nhăn nhúm, cộng thêm đủ thứ bệnh vì tuổi tác.

Trầt trật vì dịch

Trong căn nhà rộng chưa đầy 20 mét vuông, bốn bức tường mốc meo treo lỉnh kỉnh mấy giỏ vé số, vài bộ bà ba, chiếc nón lá và đủ loại bọc đồ, đồng hồ điểm đúng 15 giờ, ông Ngô Văn Tiến (61 tuổi) gọi mọi người dậy ăn cơm để kịp giờ đi bán.
Căn nhà được ông Tiến đứng ra thuê suốt 10 năm qua, gồm 2 gác xép, nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh là nơi ở của 35 người bán vé số quê Phú Yên. Ông Tiến được xem như “tổng quản” vì là người lo lấy số cho cả nhà, kiêm luôn nhiệm vụ giữ tiền giùm những người cao tuổi khác trong nhà.
Ông Tiến nói, bữa ăn của những người bán vé số vào giờ... kỳ quặc như vậy là do mọi người trong nhà đều cao tuổi hoặc tàn tật nên phải tranh thủ đi dọc các quán nhậu để bán vào ban đêm mong bớt cực nhọc vào ban ngày nắng gắt.
“Trước kia là vậy, chứ giờ một đêm không thể nào bán hết được. Dịch ai cũng khổ, người mua vé số cũng ít hơn. Vài lần đi mời số thấy tôi là người ta vội đeo khẩu trang rồi cúi mặt xuống bàn khiến tôi thấy cũng buồn buồn. Đa số chúng tôi sáng phải đi bán tiếp tới trưa, có người đi đêm tới 4 giờ sáng về, chợp mắt chút 6 giờ dậy đi tiếp tới 2 giờ chiều, vậy mà chưa bán hết được 150 vé. Đại lý giờ không cho trả số nữa nên bán không hết chỉ có ôm luôn thôi”, ông Tiến bộc bạch.
Chính vì vậy mà dù mùa dịch, ngoài một số người về quê, 16 người còn lại ở chung một căn nhà mà không khi nào đông đủ, ai cũng tranh thủ đi khắp các ngả đường mong bán hết số.
Mùa dịch này cũng chính là mùa mưa ở Sài Gòn càng làm những người bán vé số thêm phần trầy trật.

Tuổi già không an yên

Nhiều lần đến căn nhà vé số, PV luôn bắt gặp hình ảnh cụ bà Huỳnh Thị Hương (86 tuổi) cụt một chân nằm ngủ co rúm trên manh chiếu rách ở góc nhà. Ông Tiến cho hay, bà Hương thường được một người phụ nữ trung niên trong nhà chở đi bán cùng, hai người, mỗi ngày chật vật lắm mới bán được 300 vé.
Ông nói: “Chân bả vậy nên vô quán nào là bả bò không à, bò xong một quán chắc cũng cả tiếng đồng hồ. Bán về được nhiêu cũng gửi tui giữ giùm, khi nào cần gửi về quê thì tui sẽ gửi giúp. Mà chắc già rồi nên mệt, đi bán về là chỉ nằm ngủ vậy thôi, không nói chuyện với ai”.
Hôm khác ghé lại vào khoảng 15 giờ chiều, tôi lại được những người trong nhà kể lại rằng bà cụ nằm đó từ 3 giờ sáng đến giờ. Nửa đêm hôm trước, một thanh niên nào đó đã giả vờ đưa bà chai nước rồi cầm 90 tờ vé số chạy mất dạng. Thất thần về nhà, bà cụ chỉ nằm đó, không ăn, không uống gì.
Nằm cạnh bên là bà Hồ Thị Thảo (72 tuổi) với đôi chân sưng húp vì biến chứng của bệnh tiểu đường. Bà Thảo vừa về quê nằm viện 22 ngày để trị bệnh và mới vô lại được 2 hôm. Mỗi ngày, bà thường đi bán ở khu vực Bến xe Miền Tây từ 15 giờ đến khoảng 3 - 4 giờ sáng thì về.
Bà Thảo bộc bạch: “Tôi bán riết quen khu vực đó, chủ yếu là mấy chỗ ăn khuya nên bán nửa đêm mới được. Mệt quá mới về ngủ. Mấy hôm nay mưa rồi dịch bán không được nhưng tui cũng phải ráng bán cho được một nửa, còn lại sáng đi bán tiếp chứ không là không có tiền mà đền số”.
Bà Thảo có 6 người con (5 trai, 1 gái), bao nhiêu năm ở Phú Yên, bà chỉ quanh quẩn nuôi heo, hái củi, làm than nên phải vay mượn khắp nơi mới đủ chăm lo, dựng vợ gả chồng cho cả 6 đứa con.
Vì vậy 16 năm đi bán vé số thì hết 10 năm làm được bao nhiêu bà phải dồn trả nợ. “6 năm nay mới gọi là có tiền ăn. Mỗi ngày đóng 10.000 đồng tiền ăn ở nhà, ra đường có chỗ nào phát cơm từ thiện thì tôi ăn, không thì nhịn đợi quá bữa về nhà ăn sau, thêm tiền nhà, điện, nước cũng chả là bao. Nặng nhất là tiền thuốc, mới vô lại bán được 2 ngày mà hết 800 ngàn thuốc men rồi”, nói xong bà Thảo lấy mớ thuốc vừa mua ra để minh chứng. Nếu không có số thuốc đó, chân của bà sẽ còn sưng to nữa và đau nhức đến không thể đi lại được.
Theo lời bà Thảo, bán chừng 2 tháng, bà lại gom tiền về quê thăm nhà một lần, nghỉ lấy sức chừng một, hai tuần bà sẽ vào lại Sài Gòn. Biết bệnh bà như vậy nên những người trong nhà thấy hôm nào còn nhiều số sẽ chia nhau đi bán giùm bà để không phải ôm số.
Hơn bà Thảo 4 tuổi là cụ bà khác tên Hương (quê ở xã Xuân Quang, H.Đồng Xuân, Phú Yên) đầu bạc trắng, răng rụng hết, tay phải của cụ Hương giật liên hồi vì bệnh parkinson.
Bà Hương vừa rồi đã tốn mấy triệu tiền khám chữa khắp nơi nhưng không khỏi khiến bà đành sống chung với bệnh. Có con cháu ở quê, bà Hương vẫn chọn nghề bán vé số ở Sài Gòn vì không muốn phụ thuộc vào con cái.
“Mệt thì tôi uống thuốc, đi nằm viện chứ con mình còn phải nuôi cháu mình mà. Sức tôi yếu nên chỉ đi bộ dọc Q.1, Q.5, đi một đoạn mệt lại nghỉ. Mỗi ngày tôi bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, không bán hết thì sáng lại đi tiếp. Bán được bao nhiêu tôi sẽ gửi tiền chú Tiến chứ mang trong người là bị cướp ngay. Đi bán cũng phải mang tỏi trong giỏ chứ sợ bỏ ngải, nhà này mấy người bị rồi”, bà Hương kể.
Trong căn nhà vé số này còn có ông Nguyễn Sâu (79 tuổi) bị cụt một chân, nặng tai, ai nói gì ông cũng ậm ờ cho qua chuyện, khi cần gì thì ông mới nói với mọi người.
“Cả nhà nói chuyện mà ông không có nghe gì hết, không biết ra ngoài bán sao. Ông đi làm nuôi vợ tâm thần ở quê, tội lắm”, ông Tiến kể.
Ai cũng khổ như ai, nhưng hoàn cảnh khiến mọi người trong nhà thương nhất là cụ ông Năm Hương. Ông vừa cụt một tay, chân bị tật, lại có một cục bướu to. Ông Năm Hương di chuyển khó khăn nên bán vé số rất chậm, dịch này lại càng chậm hơn. Ông luôn đi miệt mài từ 5 giờ chiều đến nửa đêm, sáng sớm lại tiếp tục đến tận chiều mới xong, nhưng cả ngày chỉ ăn duy nhất một bữa ở nhà, không dám ăn ở ngoài để tiết kiệm tiền.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Người Sài Gòn   tiểu đường  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...