22/09/2021 12:10  
Theo chuyên gia, trong đoàn người đi chơi Trung thu, chỉ cần có một F0 là đã có nguy cơ lây lan mạnh làm bùng dịch.Thành quả của Hà Nội sau 4 đợt giãn cách xã hội có thể bị xô đổ.

Đêm rằm tháng Tám năm nay (21/9) trở thành "ngày hội" ra đường của người dân Hà Nội. Theo thói quen, dòng người đổ về khu trung tâm. Tại đây thay cho sự vắng lặng trong thời dịch bệnh là không gian sôi động, náo nhiệt. Trục đường Hàng Đào - Đồng Xuân, quanh khu vực Hồ Gươm đông đặc người.

Nguy cơ bùng phát dịch là rất rõ

"Nguy cơ bùng phát dịch là rất rõ từ tình trạng dòng người ken đặc ở các tuyến phố lớn tại Hà Nội tối qua. Vụ việc này cũng cho thấy người dân rất chủ quan trong phòng, chống dịch. Phía cơ quan chức năng cũng đã phần nào rơi vào thế bị động dẫn tới mất kiểm soát", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trong cuộc phỏng vấn với Dân trí, vào sáng 22/9.

Theo PGS Hùng, mặc dù đã nới lỏng các biện pháp giãn cách và thực hiện chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhưng không thể đảm bảo đã truy tìm được hết các ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng. Do đó nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn hiển hiện.

"Việc vi phạm giãn cách của người dân như tối 21/9 là rất nguy hiểm. Trong đoàn người tối qua, chỉ cần có một ca dương tính là đã có nguy cơ lây lan mạnh làm bùng dịch. Thành quả của Hà Nội sau 4 đợt giãn cách xã hội có thể bị xô đổ chỉ sau một dịp lễ Trung thu", PGS Hùng cho hay.

Cần sớm áp dụng thẻ xanh Covid-19

Theo PGS Hùng, thành phố đang trong lộ trình nới lỏng, không thể bắt tất cả mọi người ở nhà như trước, nhưng Hà Nội cần có biện pháp chủ động để hạn chế và kiểm soát chặt nguy cơ. Không thể trông chờ hoàn toàn vào ý thức của người dân.

Đáng chú ý, theo PGS Hùng, Hà Nội nên sớm triển khai phương án thẻ xanh Covid-19.

PGS Hùng nói: "Thẻ xanh là phương pháp giúp kiểm soát việc ra đường, sinh hoạt và làm việc của người dân dựa trên các bằng chứng khoa học đã được công nhận. Đồng thời việc áp dụng thẻ xanh sẽ giúp thúc đẩy nhanh lộ trình mở cửa trở lại. Thực tế từ nhiều nước châu Âu đã trải qua thời gian dài giãn cách xã hội và dần mở cửa trở lại đã cho thấy tính hiệu quả của thẻ xanh Covid-19".

Theo chuyên gia này, những trường hợp nên cấp thẻ xanh là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh (hết thời gian cách ly theo quy định), người đã được tiêm vắc xin mũi một được 14 ngày trở lên (với loại vắc xin được yêu cầu phải tiêm nhiều hơn một mũi) và người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc RT-PCR) âm tính trong vòng 72h.

Thẻ xanh Covid-19 sẽ giúp xác định những người có ít nguy cơ nhất làm lây nhiễm cho người khác, qua đó cho phép họ được tự do hơn trong việc đi lại, làm việc hay tham gia hoạt động ở những khu vực có nguy cơ cao như: nơi đông người, siêu thị, nhà hàng, quán bar, nhà thi đấu thể thao, xe buýt, máy bay, nhà máy…

"Ở thời điểm hiện tại, cần sớm có biện pháp kiểm soát bằng thẻ xanh chứ chưa thể trông chờ hoàn toàn vào khuyến cáo 5K và ý thức của người dân. Trong lộ trình tiêm chủng vắc xin Covid-19, phải đến khi 80 - 90% người dân, bao gồm cả trẻ em, được bao phủ vắc xin, chúng ta mới dỡ bỏ thẻ xanh và chung sống với dịch bằng 5K", PGS Hùng nhấn mạnh.

Minh Nhật

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Trung thu   chuyên gia   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...