19/06/2021 22:10  
Dù xuất phát sau nhưng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ vượt bậc về khám phá không gian và đang bắt tay với Nga để đối đầu Mỹ trong cuộc chạy đua trên Mặt trăng.

Trung Quốc và Nga đã tiết lộ chi tiết kế hoạch thiết lập một trạm nghiên cứu chung trên Mặt trăng, trong đó dự kiến sẽ hoàn thành ít nhất 5 cấu trúc trên bề mặt hành tinh này vào năm 2035.

Hồi tháng 3, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đã nhất trí bắt tay hợp tác phát triển Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS). Cả hai cũng đã mời các nước khác tham gia kế hoạch này, vốn là một lộ trình phát triển các cơ sở toàn diện tại một hoặc nhiều địa điểm trên bề mặt Mặt trăng và trên quỹ đạo của nó, theo bản đồ và hướng dẫn mà Nga - Trung đã gửi cho các đối tác tiềm năng được công bố hôm 16/6.

Các nhiệm vụ khám phá ban đầu trong chiến lược phát triển ILRS dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay, trong khi kế hoạch xây dựng sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm 2025. 

Theo kế hoạch, ban đầu trạm này sẽ hoạt động theo cơ chế tự động và sau đó sẽ được sử dụng là cơ sở cho các sứ mệnh của con người trong tương lai cũng như thăm dò các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng.

Các nhiệm vụ khám phá sơ bộ dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay, trong khi kế hoạch xây dựng sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm 2025.

"Trung Quốc và Nga hoan nghênh các đối tác quốc tế tham gia vào chương trình ILRS ở mọi giai đoạn và mọi cấp độ của từng giai đoạn", ông Wu Yanhua, Phó giám đốc CNSA phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến chung với người đồng cấp Roscosmos Sergey Saveliev.

Kế hoạch đầy tham vọng này rõ ràng đang làm hồi sinh một cuộc chạy đua không gian quốc tế, 3 thập niên sau Chiến tranh Lạnh.

Cả Trung Quốc và Nga đều không ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu, ra đời vào tháng 10/2020. Hiệp định này, được lấy tên từ chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm mục đích thiết lập quy tắc hành vi trên Mặt trăng. Nó cho phép các quốc gia hoặc các công ty tạo ra "vùng an toàn" trong khi khai thác tài nguyên trên hành tinh này cũng như khám phá cực nam của mặt trăng, nơi chưa từng được con người thám hiểm trước đây.

Hôm 15/6, Brazil đã trở thành quốc gia mới nhất ký Hiệp định Artemis, cùng với Anh, Australia, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Italia.

Mỹ đang đặt mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo lên Mặt trăng vào năm 2024, 52 năm sau sứ mệnh cuối cùng của tàu Apollo vào năm 1972 - như một phần của chương trình không gian Artemis. Mỹ cũng mở cửa mời gọi các nước tham gia chương trình này.

Theo kế hoạch, trong vài năm tới, 3 tàu thăm dò hiện có của Trung Quốc, từ Hằng Nga 6 đến Hằng Nga 8 - và 4 sứ mệnh dự kiến của Nga, từ Luna-25 đến Luna-28, sẽ được dành riêng cho các giai đoạn thăm dò và xây dựng trạm nghiên cứu trên Mặt trăng. Trong khi đó, Hằng Nga 4, tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng vào năm 2019, vẫn đang hoạt động và sẽ được đưa vào các nhiệm vụ thám hiểm.

Từ năm 2031-2035, ILRS cần thực hiện 5 sứ mệnh cho kế hoạch xây dựng trụ sở, bao gồm các cơ sở nghiên cứu và thăm dò như phòng thí nghiệm và đài quan sát. CNSA và Roscosmos tuyên bố, ILRS sẽ trở thành một cơ sở toàn diện dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học đa ngành và đa mục tiêu, chẳng hạn như thăm dò Mặt trăng, quan sát không gian sâu và các cách sử dụng tài nguyên của Mặt trăng.

CNSA và Roscosmos cũng kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế và đối tác cùng tham gia để kế hoạch đạt "hiệu quả". Có 5 cấp độ hợp tác cho các đối tác, từ việc giúp thiết lập các chương trình và mục tiêu cho đến điều phối toàn bộ các sứ mệnh.

"Sau khi tham vấn với Trung Quốc và Nga, bất kỳ đối tác nào sẵn sàng đóng góp cho ILRS đều có thể tham gia hoặc thậm chí có thể dẫn đầu bất kỳ phần nào của dự án", CNSA và Roscosmos cho biết.

Thanh Thành

Theo SCMP

Nguồn tin: dantri.com.vn


Nhật Bản   Trung Quốc   chiến lược   hành vi   hợp tác   tàu vũ trụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...