13/07/2021 9:10  
Cô bé tội nghiệp ấy mới 12 tuổi, người đen nhẻm, gầy loắt choắt, hàng ngày Hiền vừa phải nấu cơm chăm mẹ nằm liệt sau vụ tai nạn thương tâm, vừa phải chở em đi học, khiến nhiều người xót xa.

Tai nạn thương tâm từ bồn chứa nước

Chúng tôi tìm về gia đình Ka Thị Hênh (sinh năm 1991, dân tộc Cơ Ho, ngụ tại thôn 5, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), khi vượt qua quãng đường đèo xóc như xóc ốc.

Ka Thị Hênh, người mẹ trẻ của 3 đứa con thơ nằm dựa lưng trên ghế, đôi mắt đen láy, chất chứa nỗi buồn.

Kể về thời khắc kinh hoàng xảy ra từ hơn 2 năm trước (tháng 5/2019), khiến Hênh phải nằm liệt, vẻ mặt người phụ nữ vẫn đầy những nỗi lo, hoảng loạn.

"Lúc đó em ngồi giặt đồ dưới giàn kê bồn nước, khi nghe tiếng gỗ gãy răng rắc, chỉ kịp ngoái đầu lại thì cả chiếc bồn chứa nước nặng hàng trăm kg rơi thẳng xuống, may mà 2 đứa con em đang đứng tắm bên cạnh chạy kịp", Hênh vừa kể, khuôn mặt vừa nhăn nhó vẫn còn cảm giác đau đớn chạy giật sống lưng.

Thấy hàng xóm có vẻ đau đớn, chị Ka Thị Sắm nói thêm, do nhà Hênh làm giàn kê bồn nước bằng gỗ, đặt ở cạnh giếng. Mưa, nắng lâu ngày nên giàn gỗ bị mục, thời điểm đó trời nổi gió, mưa to, bồn nước 250 lít lại mới được bơm đầy nên đè gãy giàn gỗ.

"Nhà tôi cách nhà nó mấy chục mét, nghe như tiếng bom nổ, tôi chạy sang đến nơi thấy nó bẹp dúm dưới bồn nước, vừa khóc vừa kêu cứu, 2 đứa con nhỏ khóc thét bên cạnh. Cái bồn đè gập người nó, gãy sống lưng. May mắn là không có vết thương hở bên ngoài nên Hênh không bị mất máu nhiều, đầu óc vẫn còn tỉnh táo, thều thào kêu cứu", chị Sắm kể thêm.

Bé Ka Thị Hiền (12 tuổi), con gái lớn của chị Hênh khi ấy hoảng loạn chạy đến ôm mẹ mà gào lên trong tuyệt vọng. Sức con bé không thể vần cái bồn nước nặng hàng trăm kg ra khỏi người mẹ nó. Nó gào lên: "Mẹ ơi, đừng chết, mẹ ơi!". Còn bé Ka Thị Linh Nhi, lúc ấy mới 2 tuổi cứ chạy vòng quanh mẹ mà khóc đến khản giọng.

Theo lời chị Sắm, lúc Hênh bị tai nạn là tầm 15h, do gia đình nằm cách xa trung tâm xã gần 20km, nên ít xe qua lại, khi hàng xóm cáng Hênh ra đứng ven đường lộ, chờ mãi mới có một chiếc xe tải chạy qua, mọi người vẫy vào nhờ chở ra bệnh viện huyện cách nhà hơn 30km.

Từ thôn 5 ra lộ lớn là đường đèo Tà Pứa nổi tiếng là khó đi, đèo vừa dốc vừa khúc khủyu, những đoạn đường ổ gà xóc đến nhói tim gan người phụ nữ trẻ đang nguy kịch, Hênh đau, ngất đi mấy bận trên đường.

Thế nên ngày Hênh gặp nạn, chồng chị là anh K' Phong (sinh năm 1986) vẫn đang còn ở trong rừng sâu, khi về nhà mới biết vợ được đưa đi cấp cứu. Phong muốn ra với vợ cũng không có tiền, không có xe. Hàng xóm gom góp được gần 1 triệu đồng rồi nhờ người chở Phong ra bệnh viện chăm vợ.

Bé gái 12 tuổi vừa đi học vừa chăm em, nấu cơm chăm mẹ

Tại bệnh viện huyện, bác sĩ xác định chấn thương của chị Hênh rất phức tạp nên cấp cứu, ổn định sức khỏe rồi chuyển viện lên Chợ Rẫy (TPHCM) cứu chữa.

Kết quả chẩn đoán Hênh bị gãy 3 đốt sống ở vùng thắt lưng, khu vực xương chậu và đùi cũng bị ép vỡ, dập tủy… Trải qua những ca phẫu thuật phức tạp, nhưng di chứng để lại khiến Hênh bị liệt nửa người, từ phần thắt lưng xuống 2 chân không một chút cảm giác. Sau thời gian chữa trị, gia đình Hênh cõng thêm khoản nợ gần 100 triệu đồng.

Giờ đây, Hênh đã qua cơn nguy kịch, được về nhà tịnh dưỡng 1 năm nay, chỉ còn vết thương vỡ xương sống vẫn phải duy trì rút dịch, chăm sóc vết thương hàng ngày và đi thăm khám định kì. Công cán chăm vết thương đều được một y tá gần nhà thương tình làm giúp, nhưng thuốc thang thì không thể xin ai mãi được...

Hênh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào con gái lớn là bé Ka Thị Hiền chăm lo.

Hiền đã 12 tuổi mà người loắt choắt, gầy nhom. Cô bé tội nghiệp ấy ngoài giờ học trên lớp là quay cuồng chăm sóc cho mẹ, đạp xe chở em đi học, nấu cơm nước cho cả nhà...

K' Phong ngày ngày đi làm thuê kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày. Còn tiền thuốc cho vợ, tiền nợ chưa trả… thì anh cũng chưa biết tính thế nào. Những hôm không ai thuê thì K' Phong dẫn theo con trai là K' Nhật Phan (sinh năm 2013) vào rừng hái măng, lấy củi. 

Mặt K' Phong buồn bã bảo, 3 đứa trẻ cũng xác định học hết trường cấp 2 trong làng thì nghỉ để đi rừng. Chứ cảnh nhà bây giờ làm sao nuôi con ăn học... Lúc này Hênh vẫn nằm trên ghế dựa, tay chắp lên bụng để giữ chiếc mền che đi vết thương và đôi chân liệt, nhìn chăm chú vào con gái lớn đang ngồi cạnh, tiếng Hênh thở dài thườn thượt: "Sống được tới đâu thì hay tới đó, chứ giờ nhà em biết tính gì nữa đâu anh".

Ở vùng rừng Tà Pứa, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, gia đình trẻ như Hênh ít có nhà nào khá giả. Vợ chồng Hênh cưới nhau hơn mười năm trời cũng chỉ có được 4 sào đất trồng điều sâu trong rừng. Công việc chủ yếu là đi làm rẫy thuê theo công nhật, không ai mướn thì vào rừng hái măng, lấy củi… Cuộc sống gia đình Hênh - Phong cũng quẩn quanh như vậy. Các con của Hênh nếu không được học hành đến nơi đến chốn để bứt ra khỏi bìa rừng ấy, thì cũng khó có thể nói về một tương lai tươi đẹp hơn.

Tùng Nguyên

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bình Thuận   Cuộc sống   HCM   TPHCM   Tai nạn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...