15/12/2021 18:10  
Biến chủng Omicron đã khiến các quốc gia giàu có đổ xô tiêm vaccine Covid-19 liều tăng cường, trong khi các nước nghèo vẫn đang chật vật chờ liều tiêm đầu tiên.

Vào tối 12/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ thúc đẩy chiến dịch tiêm liều tăng cường cho tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện vào cuối năm nay, do sự lây lan theo cấp số nhân của biến chủng mới Omicron.

"Một làn sóng Omicron đang đến. Và tôi lo rằng giờ đây rõ ràng là hai liều vaccine Covid-19 không đủ tạo mức độ bảo vệ mà tất cả chúng ta cần", Thủ tướng Johnson cảnh báo trong thông báo trên toàn quốc.

Không chỉ có Anh, các quốc gia giàu có khác cũng đang đẩy mạnh tiêm liều tăng cường sau thời gian dài do dự vì nhiều lo ngại. "Chúng tôi đang tiêm liều tăng cường cho 1,1 triệu người Mỹ mỗi ngày, ngày càng có nhiều người đến tiêm mỗi ngày hơn bao giờ hết", Điều phối viên chống Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient nói với các phóng viên hôm 13/12.

Trong khi các nước giàu đang đẩy nhanh những mũi tiêm tăng cường, nhiều người ở các quốc gia nghèo hơn vẫn đang chờ đợi những liều tiêm đầu tiên. Tính đến 12/12, Mỹ đã tiêm khoảng 54 triệu liều tăng cường so với 64 triệu liều được tiêm tổng cộng ở các quốc gia nghèo, theo trang Our World in Data. Khoảng cách đó khó có thể sớm được thu hẹp lại.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 665 triệu người sống ở các quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp (có nghĩa GDP bình quân đầu người dưới 1,045 USD, thấp hơn khoảng 60 lần so với Mỹ). Hầu hết các quốc gia này nằm ở châu Phi cận Sahara. Các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh như Yemen và Afghanistan cũng nằm trong danh sách này.

Liều tăng cường từ lâu đã được coi là biểu tượng của việc tiếp cận vaccine bất bình đẳng. Trong số hơn 360 triệu mũi tiêm tăng cường được thực hiện trên khắp thế giới, hầu hết tất cả đều ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình. Chưa đến 8 triệu liều được tiêm ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn, trong khi con số ở các quốc gia có thu nhập thấp là 0 hoặc ở mức không đáng kể.

Những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng tích trữ vaccine và phân chia bất bình đẳng đã gặp nhiều khó khăn. COVAX, với mục tiêu ban đầu cung cấp 2 tỷ liều cho các nước vào năm 2021, đang chạy đua để đạt được mục tiêu: 800 triệu liều.

Những câu hỏi về dịch bệnh

Omicron đã đặt ra những câu hỏi mới về việc liệu những liều tiêm tăng cường này có hiệu quả bao lâu. Do khả năng né vaccine của Omicron, một số chuyên gia đề xuất rằng định nghĩa "được tiêm đầy đủ" nên bao gồm cả các mũi tiêm tăng cường.

Ngay cả những người đã tiêm vaccine có hiệu quả cao chống lại các biến chủng khác, chẳng hạn như Pfizer/BioNTech và Moderna (đều sử dụng công nghệ mRNA tiên tiến), họ vẫn cần thêm liều tăng cường để đạt mức độ miễn dịch chống lại Omicron.

Mọi việc có thể không dừng lại ở đó. Các giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pfizer tuần trước cho biết, có thể phải cần tiêm thêm liều thứ 4. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thay đổi định nghĩa về "tiêm chủng đầy đủ". "Hiện tại, tôi không thấy cần thay đổi điều đó", tiến sĩ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 12/12. Tuy nhiên, sau đó ông nói thêm: "Vấn đề là khi nào chứ không phải là liệu có cần hay không".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước tạm dừng tiêm tăng cường cho đến khi các nước nghèo tiếp cận rộng rãi hơn với liều ban đầu. Tuy nhiên, WHO đã đề nghị nên tiêm tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch.

Bất chấp tốc độ lây lan của Omicron, hầu hết các ca nhiễm trên toàn thế giới vẫn là do chủng Delta. Nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Tại Anh, nơi đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Omicron, các quan chức cảnh báo rằng Omicron có thể sớm vượt qua Delta.

Ngay cả những nơi được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới cũng lo lắng. Tại Sao Paulo của Brazil, nơi các quan chức tuyên bố đã tiêm đầy đủ cho khoảng 100% dân số trưởng thành, Omicron đang được theo dõi chặt chẽ.

"Điều chúng tôi hy vọng, đặc biệt là với tỷ lệ tiêm chủng cao là ngay cả trong trường hợp xấu nhất, sẽ chỉ có ca nhiễm tăng chứ không phải là số ca nhập viện và tử vong", Alexandre Naime Barbosa, Trưởng bộ phận dịch tễ học tại Đại học Bang Sao Paulo, nói với Washington Post.

Tuy nhiên, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trên thế giới lại có nhiều điều đáng sợ nhất: đó là nguy cơ trở thành "lò ấp" cho biến chủng mới. Đó không phải là vấn đề duy nhất mà còn là gánh nặng về sức khỏe và kinh tế xã hội.

Thanh Thành
Theo Washington Post

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Ngân hàng   Nhà Trắng   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...