14/06/2021 16:11  
Việc các đối tượng thực hiện tấn công mạng nhằm vào trang Báo điện tử VOV, tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả mà có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chiều 14/6, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với  phóng viên Dân trí liên quan đến việc trong 2 ngày 12 và 13/6, Báo điện tử VOV liên tiếp bị các đối tượng thực hiện các đợt tấn công mạng nhằm vào trang Báo điện tử VOV và nền tảng mạng xã hội của cơ quan này. 

Luật sư Cường cho rằng, hành vi tấn công mạng đối với cơ quan truyền thông quốc gia là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi tấn công mạng này để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Cường, Đài Tiếng nói Việt Nam, hay còn gọi là Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (tên tiếng Anh là "Radio The Voice of Vietnam", viết tắt là VOV) là đài phát thanh quốc gia trực thuộc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đài có nhiệm vụ "tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân".

Đài được sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động báo chí, tần số, truyền dẫn và phát sóng. Hiện tại, Đài Tiếng nói Việt Nam là tổ hợp truyền thông đa phương tiện quan trọng hàng đầu cả nước, với đủ cả bốn loại hình báo chí: Phát thanh, truyền hình, báo in giấy và báo điện tử trực tuyến.

"Hành vi tấn công vào đài phát thanh quốc gia có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời hành vi này có thể xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Hành vi tấn công vào cơ quan phát thanh quốc gia bằng hình thức tấn công trực tiếp hay tấn công mạng thì đều có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động của cơ quan này, tổn hại đến tài sản, uy tín của cơ quan truyền thông quốc gia", luật sư Cường phân tích.

Từ phân tích trên, luật sư Cường cho rằng, các hành vi trên có dấu hiệu phạm vào "Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử", được quy định tại Điều 287 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, tại khoản 1 của điều luật trên quy định: Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, nghiêm trọng hơn, tại khoản 3 của điều luật trên quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; Thu lợi bất chính một tỷ đồng trở lên;...

Nguyễn Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Hà Nội   Xã hội   bí mật nhà nước   chính sách   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...