07/08/2021 0:05  

Viết giữa những ca mổ và bệnh viện dã chiến

Ngay khi bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thông báo về cuốn sách Câu chuyện từ trái tim (NXB Thế giới) của mình trên Facebook cá nhân, rất nhiều người đã đặt mua. Cuốn sách được viết nhẹ nhàng như những giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch. Trong đó, có những thông tin chuyên sâu về tim mạch mà ông Lân Hiếu, thuộc nhóm những bác sĩ tim mạch đầu ngành, đã nghiên cứu và suy ngẫm trong nhiều năm. Ông viết ngắn gọn, trong khoảng thời gian giữa những ca mổ.
Trước đó, những đơn đặt hàng mua sách của bác sĩ Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng vậy. Những người vẫn theo dõi thông tin y học và tâm sự của bác sĩ Hùng trên Facebook cá nhân của ông đã đặt sách ngay khi có thể. Nếu như bác sĩ Lân Hiếu có những thông tin đặc biệt chuyên sâu tim mạch thì câu chuyện của bác sĩ Hùng lúc nào cũng văng vẳng tiếng còi cấp cứu. Ông kể chuyện của phòng cấp cứu sống động đến mức người đọc có thể thấy được tiếng máy đo nhịp tim mạch. Thêm vào đó, ông Hùng có một chiến tuyến nữa trong sách. Đó là cuộc chiến với những trào lưu sống thiếu khoa học; trong đó, ông đặc biệt phản đối các tín đồ thực dưỡng mù quáng. Cuốn sách mới nhất Để yên cho bác sĩ “hiền” - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể (Nhã Nam và NXB Thế giới) ra mắt trong những ngày ông Hùng được tăng cường cho bệnh viện dã chiến ở Hải Dương.
Bác sĩ Hùng đã xuất bản 3 cuốn sách, đều bán rất chạy. Đó lần lượt là Để yên cho bác sĩ “hiền”, 3 phút sơ cứu, và Để yên cho bác sĩ “hiền” - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể. Những cuốn sách này đều có điểm chung là phần lớn được tập hợp từ những bài viết đã được ông đăng trên Facebook. Với ông Lân Hiếu và Câu chuyện từ trái tim cũng vậy. Chính vì thế, những cuốn sách này đều có độ uyển chuyển của giao tiếp cá nhân bên cạnh thông tin khoa học chặt chẽ.
Một cuốn sách khác của bác sĩ viết cũng được nhiều người tìm đọc trong thời gian qua là cuốn Những ngộ nhận “vì sức khỏe” (NXB Phụ nữ) của bác sĩ Nhật Bản Toshio Akitsu. Trong đó, có những lầm tưởng về sức khỏe bị bóc trần, bên cạnh những kiến thức y học đúng đắn. Chẳng hạn bác sĩ nói về việc chạy bộ thế nào để có ích. Theo đó, để thói quen chạy bộ có ích trong việc giảm nguy cơ tử vong cần phải có 3 điều kiện. Đó là: cự ly chạy bộ không được quá 32 km/tuần; tốc độ chạy bộ 8 - 11,2 km/giờ và số lần chạy phải trong khoảng 2 - 5 lần/tuần. Thêm vào đó, trong vòng 2 giờ sau khi ngủ dậy nếu chạy bộ thì nhịp tim sẽ tăng nhanh, dẫn đến huyết áp tăng… Những người có bệnh tim mạch, đặc biệt người cao tuổi, không nên chạy như vậy.

Cho bệnh nhân và cho cả nghề y

Bác sĩ Lân Hiếu chia sẻ có những câu chuyện làm ông suy nghĩ rất nhiều. Chẳng hạn, sự lạm dụng xét nghiệm của nhiều bác sĩ. “Đơn giản bệnh nhân vào chụp cắt lớp từ đầu đến chân thì thế nào cũng tìm ra bệnh. Còn bác sĩ giỏi thì chỉ cần cái đầu dò là có thể tìm ra. Bác sĩ giỏi khám ban đầu rất lâu, nhưng kết luận rất nhanh. Còn bác sĩ không giỏi khám nhanh lắm, nhưng kết luận thì lâu lắm. Lạm dụng xét nghiệm đang là vấn đề lớn”, bác sĩ Hiếu nói.
Bác sĩ Hiếu chia sẻ ông muốn sách tới tay càng nhiều người trẻ càng tốt. Có những phần thông tin cho sinh viên y đọc rất tốt. “Tôi muốn có thông tin để hình thành thế giới quan của lớp trẻ. Người lớn có trách nhiệm hướng các bạn đi theo thế giới quan trong lành. Tôi viết ra những cái tôi nghĩ trong đầu, để mạnh dạn đưa ra suy nghĩ của bản thân. Thực ra tôi viết cho chính tôi, để sống đúng là bản thân mình”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, các hồi âm của bộ sách do bác sĩ Ngô Đức Hùng viết cũng vô cùng thực tế. Nhiều người đã mua bộ dụng cụ sơ cứu theo hướng dẫn của ông để dùng trong gia đình. Những hiểu lầm về thực dưỡng, về chữa đau mắt không cần kháng sinh mà bằng nhỏ sữa mẹ… được mổ xẻ trần trụi giúp ai còn chưa hiểu có thể hiểu cặn kẽ hơn. Lên án mạnh, bất chấp bị ghét bị chửi, nhưng cứu được những người bệnh khỏi sự vô minh.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cuốn sách của ông Hùng giúp người đọc tỉnh táo hơn, bớt hoang mang. Ở đó, sự lạc quan của bác sĩ, kinh nghiệm thực chiến qua nhiều làn sóng Covid-19 giúp mọi người hiểu rõ "kỷ luật" 5K có thể có tác dụng ra sao. Đặc biệt, người đọc cũng được nhắc không cuống cuồng tích trữ thuốc và uống theo đơn của “bác sĩ mạng”.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Hà Nội   Nhật Bản   bệnh tim mạch   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...