09/12/2021 22:40  
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh khẳng định, có gần 80% phụ huynh học sinh khối lớp 9, 12 đồng ý cho học sinh đi học trở lại.
156.000 học sinh khối lớp 9 và 12 sẽ đi học trở lại
Chiều 9/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình chống dịch và các vấn đề được dư luận quan tâm.
Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, TP hiện có 285 trường THCS, hơn 88.000 học sinh lớp 9; 202 trường THPT, trên 68.000 học sinh lớp 12. Qua khảo sát, gần 80% phụ huynh các khối lớp đồng thuận cho con đi học trực tiếp.
Cũng theo ông Lê Duy Tân, việc phối hợp giữa Sở GD&ĐT, Sở Y tế và cha mẹ học sinh, đặc biệt là ý thức của học sinh sẽ quyết định sự thành công của việc đi học trở lại. Khi đi học trực tiếp trở lại, học sinh sẽ thi hết kỳ học kỳ 1 bằng hình thức trực tiếp. Những học sinh chưa đến trường được sẽ lùi kỳ kiểm tra học kỳ I đến thời điểm thích hợp.
Ông Lê Duy Tân cho biết thêm, từ ngày 6/9 đến nay, do tình tình dịch Covid-19, học sinh toàn TP Hồ Chí Minh đều học trực tuyến trên internet. Việc dạy và học trên internet có một số hạn chế, vì thế khi có điều kiện, TP sẽ triển khai thêm việc học trực tiếp. Hai loại hình này bổ sung cho nhau, thay đổi tùy thực tế từng địa phương.
“Để chuẩn bị tốt cho học sinh đến trường, Sở GD&ĐT đã đề nghị các cấp, các ngành, phụ huynh quan sát tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục, để đảm bảo an toàn cho học sinh. Các trường trung học phải xây dựng phương án đi học an toàn, đảm bảo quyền lợi cho học sinh đi học trực tiếp” - ông Lê Duy Tân nhấn mạnh.
Vì sao tình hình dịch trên địa bàn quận 4 phức tạp?
Tại buổi họp báo, bà Đỗ Thị Trúc Mai - Phó Chủ tịch UBND quận 4 (địa phương có dịch tăng cấp độ từ vàng lên cam - PV) cho biết, nguyên nhân khiến dịch trên địa bàn gia tăng do nhiều người dân chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc từng là F0.

"Họ nói với nhau, đã tiêm 2 mũi có nhiễm cũng bị nhẹ nên mức độ giao lưu trong cộng đồng ngày càng nhiều hơn... Phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc thì những thành viên còn lại cũng dương tính. Số người mắc Covid-19 ở quận từ đầu dịch đến nay là 18.000 người. Hiện nay, số đang cách ly điều trị tại bệnh viện là 481 người, cách ly tại nhà 370 người… Điều quan trọng hiện nay là phải truyền thông như thế nào để người dân nhận thức được dù đã tiêm đủ vaccine, đã từng là F0 vẫn phải thực hiện các biên pháp phòng chống dịch, bảo vệ bản thân" - bà Đỗ Thị Trúc Mai thông tin.
Nói về các giải pháp để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 tăng cấp độ, bà Đỗ Thị Trúc Mai cho biết, sau khi dịch trên địa bàn quận 4 tăng cấp độ, quận đã có chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch. Các địa phương yêu cầu các hàng quán ăn uống giảm 50% công suất hoạt động. Các hoạt động kinh doanh mua bán khác đều được yêu cầu hạn chế theo cấp độ dịch từng địa bàn…
Mua bán thuốc Molnupiravir là bất hợp pháp
Thông tin về tình hình cung ứng thuốc cho F0 điều trị tại nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Bộ Y tế đã cấp phát cho TP hơn 25.000 liều Molnupiravir. Địa phương đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc Molnupiravir kháng virus từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn. TP Hồ Chí Minh cũng được Bộ Y tế cung ứng 2.300 liều Favipiravir cùng nhóm. Ngoài các loại thuốc kể trên, TP còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định: “TP có lượng thuốc được quản lý kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát cho F0 cần sử dụng. F0 là người trẻ, không có bệnh nền, không có dấu hiệu của bệnh thì không nên sử dụng thuốc kháng virus”.
Nói về kế hoạch trong thời gian thới, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở Y tế TP đã tham mưu Ban Chỉ đạo Covid-19 TP Hồ Chí minh và được chấp thuận triển khai chiến dịch chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền… Ngay khi nhóm đối tượng này được phát hiện dương tính, phường sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà. Các loại thuốc kháng virus chỉ sử dụng đúng đối tượng. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Thuốc kháng virus Molnupiravir là thuốc đang được sử dụng thử nghiệm, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành nên việc rao bán trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp. Không chỉ thuốc Molnupiravir mà các loại thuốc kháng virus chưa được Bộ Y tế cấp phép khi rao bán đều là bất hợp pháp. Sở đang phối hợp Công an TP điều tra truy vết các trường hợp có ghi nhận mua bán và sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh. Quan điểm của Sở Y tế là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin về việc tiêm mũi vaccine thứ 3. Liều tiêm nhắc lại (mũi 3) được áp dụng cho người đã tiêm đủ 2 mũi, thời gian tiêm là sau 6 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng. Mũi bổ sung áp dụng cho đối tượng suy giảm miễn dịch trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thời gian tiêm mũi này sau 28 ngày, sau mũi tiêm cuối cùng. Cơ sở y tế sẽ lên danh sách đối tượng cần tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại. Ngành y tế sẽ phối hợp chính quyền, công an để xác minh thông tin. Sau khi xác minh, danh sách được gửi đến điểm tiêm, nhân viên y tế sẽ tiêm cho người dân theo chỉ định mũi tiêm nhắc lại hoặc bổ sung.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Công an   Giáo dục   Mua bán   hành vi   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...