31/10/2021 10:10  
Cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ làm leo thang căng thẳng dẫn tới rủi ro tính toán sai lầm và xung đột quân sự, các chuyên gia an ninh cảnh báo.

Trong thời gian qua, cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc đã nóng lên và khiến giới quan sát lo ngại rằng, rủi ro tính toán sai lầm có thể dẫn tới xung đột quân sự.

Đánh giá của giới chuyên gia được đưa ra sau khi phía Mỹ lo ngại trước các bài báo nói rằng Trung Quốc hồi tháng 7 và tháng 8 đã thực hiện 2 vụ thử vũ khí siêu vượt âm, có thể bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (trên 6.200 km/h).

Phía Trung Quốc đã bác bỏ các bài báo này, nói rằng đó chỉ là các cuộc thử nghiệm nhằm phát triển công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cho rằng các vụ thử nghiệm là "đáng lo ngại", so sánh nó gần giống thời khắc Sputnik, ngầm ám chỉ vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Nga vào năm 1957 giúp Moscow dẫn trước trong cuộc chạy đua không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, một lãnh đạo của nhà thầu vũ khí hàng đầu Mỹ, Raytheon, cảnh báo rằng chính phủ Mỹ đang chậm hơn Trung Quốc "nhiều năm" trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Trung Quốc bắt đầu thử tên lửa siêu vượt âm lần đầu tiên vào năm 2014. Kể từ đó, họ đã thực hiện một số vụ thử nghiệm thành công DF-17, tên lửa đạn đạo tầm trung có thể dùng để phóng các phương tiện lướt siêu vượt âm.

Trong khi đó, Mỹ bắt đầu chủ động phát triển vũ khí siêu vượt âm từ đầu những năm 2000, tuy nhiên ngân sách cho hoạt động này tương đối hạn chế.

Tuy nhiên, theo cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ, cả Lầu Năm Góc và cơ quan lập pháp Mỹ đã thể hiện mối quan tâm ngày càng gia tăng với vũ khí siêu vượt âm, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đã bắt đầu sở hữu các vũ khí này.

Nga hiện đã đưa vào biên chế dòng tên lửa Kinzhal (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) hay Avangard (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh). Giới chức Mỹ cũng nhiều lần thừa nhận họ đang đi sau các đối thủ trong cuộc đua chế tạo dòng vũ khí này.

Rủi ro tiềm tàng

Zhao Tong, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cảnh báo rằng cuộc chạy đua vũ trang tên lửa siêu vượt âm dường như đã bắt đầu.

"Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào công nghệ và Mỹ nghi ngờ ý định của Trung Quốc cũng như cảm thấy bị đe dọa. Điều này cũng có thể khiến Mỹ gia tăng năng lực phòng thủ tên lửa. Mối đe dọa của những cuộc chạy đua vũ trang như vậy là rất lớn vì vũ khí siêu vượt âm có những sự mơ hồ và không chắc chắn về công nghệ so với tên lửa đạn đạo truyền thống và điều này có thể làm gia tăng rủi ro tính toán sai hoặc phản ứng thái quá nếu kịch bản xung đột quân sự xảy ra", ông Zhao cho hay.  

Trước đó, một báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ công bố hồi tháng 7 nói rằng, Trung Quốc có khoảng 250 hầm chứa tên lửa hạt nhân dưới lòng đất đang được xây dựng. Thêm vào đó, các bài báo của truyền thông Mỹ nói rằng, tên lửa mà Trung Quốc thử dường như có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều này khiến mối quan ngại của Mỹ thêm gia tăng.

"Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu xem xét lại chiến lược về vũ khí hạt nhân. Trước sự đối đầu gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ và các thông tin về nghi vấn Trung Quốc đang mở rộng kho hạt nhân và công nghệ mới, Washington dường như lo ngại Trung Quốc có thể thay đổi chính sách hạt nhân", ông Zhao nói.

Wu Riqiang, một giáo sư tại đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định rằng cuộc chạy đua phát triển hệ thống phòng thủ vẫn đang tiếp diễn và Mỹ đang tăng tốc cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm.  

Theo chuyên gia này, nếu Trung Quốc thực sự phát triển các tên lửa như những gì truyền thông Mỹ đề cập, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh có thể đang thúc đẩy một kế hoạch để vượt mặt hệ thống phòng không của Mỹ.

Vũ khí siêu vượt âm được xem là một thách thức mới cho công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại vì tốc độ nhanh, và có khả năng di chuyển linh hoạt hơn so với các tên lửa thường.  

"Chúng ta sẽ có các vũ khí (siêu vượt âm) để thách thức đối thủ nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ phát triển công nghệ phòng thủ trước vũ khí siêu vượt âm thế nào. Đó sẽ là thách thức", ông Hayes từ Raytheon cho biết.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Nguồn tin: dantri.com.vn


Joe Biden   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   chuyên gia   chính sách   căng thẳng   tàu vũ trụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...